Công an Bình Dương ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo công nghệ cao 

Bà Đ.T.X.N (thành phố Bến Cát, Bình Dương) đã may mắn không mất 500 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo nhờ sự can thiệp kịp thời của ngân hàng và Công an tỉnh Bình Dương. Dương Chí Tưởng
Công an Bình Dương ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo công nghệ cao

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thủ đoạn lừa đảo qua mạng không mới nhưng ngày càng tinh vi, khiến nhiều người dân vẫn "sập bẫy."

Gần đây, các đối tượng lừa đảo qua mạng thường giả mạo doanh nhân, cán bộ cơ quan nhà nước hoặc tạo ra các thông báo giả mạo ngân hàng, cơ quan thuế. Lực lượng chức năng và ngành ngân hàng đã phối hợp, kịp thời ngăn chặn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và tránh thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng cho người dân.

Bà Đ.T.X.N (thành phố Bến Cát, Bình Dương) đã may mắn không mất 500 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo nhờ sự can thiệp kịp thời của ngân hàng và Công an tỉnh Bình Dương.

Năm 2019, bà có quen và phát sinh tình cảm với một người đàn ông nước ngoài tên là HilmTon (không rõ nhân thân, lai lịch, nói là cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh). Ông này tự nhận là doanh nhân thành đạt, thường xuyên nhờ bà hỗ trợ thực hiện giao dịch ngoại tệ với khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng nước ngoài, luôn thể hiện số dư lên đến hàng triệu USD.

Gần đây, HilmTon đã nhờ bà Đ.T.X.N chuyển số tiền 3,5 triệu USD từ tài khoản ngân hàng nước ngoài vào tài khoản của bà ở Việt Nam để đổi thành tiền Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi bà thực hiện giao dịch chuyển tiền đã được báo rằng tài khoản của HilmTon bị khóa. Đồng thời, bà nhận email từ đối tượng giả mạo cơ quan thuế và ngân hàng nước ngoài, yêu cầu đóng các khoản thuế, phí dịch vụ khác nhau để nhận 3,5 triệu USD. Sau khi làm việc với công an, bà Đ.T.X.N đã hiểu rõ sự việc và không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận tố giác từ bà K.T.O (phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một) về việc mất 264 triệu đồng qua một ứng dụng dịch vụ công giả mạo. Sau khi bà cài đặt ứng dụng giả mạo trên, các đối tượng đã truy cập vào tài khoản của bà, chiếm đoạt tiền. Các bên liên quan đã nhanh chóng phong tỏa tài khoản của các đối tượng lừa đảo, thu hồi 230 triệu đồng cho bị hại...

T.B.N, sinh viên một trường đại học tại Bình Dương nhận cuộc gọi từ một số lạ, yêu cầu chuyển 120 triệu đồng để chứng minh không tham gia hoạt động phạm pháp. T.B.N đã vay mượn gia đình, đồng thời theo lời hướng dẫn giả mạo hồ sơ du học để thuyết phục gia đình em chuyển tiền. Rất may, sau khi báo cáo sự việc, công an đã nhanh chóng vào cuộc và cung cấp thông tin cho em.

Mới đây, ngày 4/10, người nhà ông Phạm Văn T. (sinh năm 1952, trú tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một) thông tin việc ông bất ngờ cầm sổ tiết kiệm trị giá gần 500 triệu đồng đi khỏi nhà, không thể liên lạc được. Gia đình nghi ngờ ông bị lừa đảo vì trước đó đã nhận nhiều cuộc gọi từ các đối tượng lạ. Các bên liên quan nhanh chóng phối hợp với Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Dương để rà soát giao dịch rút tiền.

Đến 15 giờ cùng ngày, khi ông T. chuẩn bị rút hết tiền từ sổ tiết kiệm và chuyển vào tài khoản của đối tượng lừa đảo, thì các bên liên quan và gia đình đã kịp thời ngăn chặn giao dịch này.

Trong 9 tháng của năm 2024, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 33 tin báo tố giác tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng thiệt hại hơn 48 tỷ đồng. Đơn vị đã phối hợp phong tỏa hơn 30 tài khoản nghi vấn liên quan đến các đối tượng lừa đảo, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ chuyển tiền đáng ngờ, bảo toàn tài sản cho người dân.

Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương, khẳng định khi cần làm việc với người dân, công an sẽ gửi thư mời và làm việc tại trụ sở, tuyệt đối không làm việc qua điện thoại hay yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản. Ông khuyến cáo người dân cảnh giác với những cuộc gọi hoặc thông báo từ người lạ qua mạng xã hội, không nên dễ dàng tham gia chương trình tặng quà, đầu tư tài chính qua mạng nếu không có chuyên môn hoặc nguồn thông tin rõ ràng. Các ngân hàng nên tăng cường cảnh báo và hướng dẫn khách hàng nhận diện dấu hiệu lừa đảo để bảo vệ tài sản.

Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo qua mạng, không nên tin tưởng giao dịch với người lạ hoặc liên lạc với các đầu số điện thoại không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, cơ quan nhà nước không bao giờ yêu cầu cá nhân chuyển tiền để "chứng minh vô tội." Mọi trường hợp liên quan đến tố giác cần được xử lý trực tiếp và có giấy triệu tập chính thức từ cơ quan chức năng.

Nếu nhận được các yêu cầu chuyển tiền đáng nghi ngờ, người dân không tiết lộ thông tin cá nhân, liên hệ ngay với công an gần nhất hoặc hotline: 0274.381.55.05 Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương để được hỗ trợ, hướng dẫn xử lý./.

Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tinh vi nhất

 Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tinh vi nhất

Trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, người dùng cần đề cao cảnh giác với nhiều chiêu trò như ứng dụng ngân hàng giả mạo hay trang web đánh cắp thông tin người dùng.

(TTXVN/Vietnam+)
33 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1325
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1325
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87098548