Cố vấn của EC kêu gọi châu Âu giảm tới 95% lượng khí thải vào 2040 

EC đang soạn thảo bộ quy tắc cắt giảm khí thải mang tính ràng buộc pháp lý đầu tiên của EU cho năm 2040, nhằm hướng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đạt được mục tiêu không còn phát thải ròng vào 2050.
Cố vấn của EC kêu gọi châu Âu giảm tới 95% lượng khí thải vào 2040

Hồi đầu năm 2023, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các mục tiêu phát thải khí CO2 mới đầy tham vọng đối với các phương tiện hạng nặng mới sản xuất.

Đơn cử như mục tiêu so với mức năm 2019 phải cắt giảm 90% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ xe tải hạng nặng vào năm 2040 và yêu cầu tất cả xe buýt mới hoạt động tại các thành phố ở châu Âu phải là các phương tiện không phát thải vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu năm này, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua luật cấm bán ôtô mới chạy bằng xăng và dầu diesel trong EU từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Theo luật mang tính bước ngoặt này, đến năm 2035 các nhà sản xuất ôtô phải đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO2 ở mức 100%, đồng nghĩa các hãng này không thể bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở 27 quốc gia thành viên EU.

Luật cũng bao gồm mục tiêu lượng phát thải khí CO2 đối với những chiếc xe mới được bán ra kể từ năm 2030 giảm 55% so với năm 2021 và cao hơn rất nhiều mục tiêu hiện nay là 37,5%.

Bên cạnh đó, việc sử dụng than trong ngành điện sẽ cần phải loại bỏ gần như hoàn toàn vào năm 2030, sau đó tiến tới điện khí hóa vào năm 2040.

Các phương pháp loại bỏ khí CO2 khỏi khí quyển - thông qua công nghệ hoặc phương pháp tự nhiên như cây xanh, sẽ cần được nhân rộng.

[Lượng khí thải CO2 do sử dụng năng lượng tại châu Âu giảm]

Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 9/6 báo cáo lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng năng lượng ở Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 2,8% trong năm 2022, nhờ sử dụng khí đốt tự nhiên giảm sau khi xung đột tại Ukraine diễn ra.

Trong báo cáo khí thải CO2 từ 27 quốc gia thành viên, Eurostat cho hay lượng khí CO2 phát thải ở mức gần 2,4 tỷ tấn trong năm 2022.

Lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng năng lượng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và chiếm khoảng 75% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra ở EU.

Trong khi đó, việc sử dụng khí đốt tự nhiên giảm khoảng 13%, lượng khí thải từ than đá và dầu tăng nhẹ cho thấy những nỗ lực của các nước EU trong việc đạt được mục tiêu giảm nhu cầu khí đốt tự nguyện được đưa ra tháng 8/2022 sau khi xung đột ở Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung.

Theo Eurostat, mức giảm phát thải liên quan đến năng lượng cũng rất khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Hà Lan, Luxembourg và Bỉ có mức giảm lớn nhất, trong đó Hà Lan dẫn đầu với mức giảm 12,8%.

Ở vị trí cuối của thang đo là Bulgaria với mức tăng phát thải CO2 lớn nhất là 12%, tiếp theo là Bồ Đào Nha và Malta.

Ngày 14/6 vừa qua, các cố vấn của Ủy ban châu Âu (EC) đã khuyến nghị Liên minh châu Âu (EU) tăng cường cam kết giảm lượng khí thải nhà kính lên mức 95% vào năm 2040, để chuẩn bị cho một mục tiêu tham vọng mới, nâng cao sự đóng góp của EU vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

EC đang soạn thảo bộ quy tắc cắt giảm khí thải mang tính ràng buộc pháp lý đầu tiên của EU cho năm 2040, nhằm hướng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đạt được mục tiêu không còn phát thải ròng vào năm 2050.

Ban cố vấn của EU về biến đổi khí hậu cho biết mục tiêu phải là cắt giảm 90-95% lượng khí thải ròng vào năm 2040, so với mức của năm 1990.

Ông Ottmar Edenhofer - Chủ tịch hội đồng 15 thành viên, gồm các chuyên gia khoa học độc lập, khẳng định việc thúc đẩy hành động khí hậu sẽ mang lại nhiều lợi ích tiềm năng, như chất lượng không khí tốt hơn, kết quả sức khỏe tốt hơn, ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và ít căng thẳng về nước hơn.

Ông Edenhofer nói các cố vấn đã đánh giá hơn 1.000 kịch bản phát thải để đưa ra khuyến nghị phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mức có thể ngăn chặn các tác động khí hậu tồi tệ nhất.

Bên cạnh việc cắt giảm khí thải CO2, các nước EU đã thống nhất quan điểm đàm phán "dễ thở hơn" đối với dự luật nhằm cắt giảm khí thải methane (góp phần lớn thứ 2, sau CO2, dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu) trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

Hiện hơn 80% lượng khí đốt tiêu thụ tại EU là từ các nguồn nhập khẩu trong khi hầu hết lượng khí methane có liên quan mức tiêu thụ này phát thải tại các cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Dù vậy, các bên cũng nhất trí sau khi luật có hiệu lực sẽ tiếp tục đánh giá xem có nên mở rộng quy định với các sản phẩm nhập khẩu hay không./.

(Vietnam+)

 

130 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 485
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 485
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87334620