Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: “Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị của VIện trưởng VKSND Tối cao, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giám sát và đề nghị TAND Tối cao xem xét lại quyết định này. UBTVQH đã nhận được ý kiến của các ĐBQH chưa? Quan điểm của UBTVQH như thế nào?”
Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải, theo đó giữ nguyên bản án phúc thẩm của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh xử phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội “giết người”, 5 năm tù về tội “cướp tài sản”. Sau đó, một số ĐBQH có ý kiến, gửi văn bản cho UBTVQH.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: UBTVQH cho rằng đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài trong nhiều năm. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII đã thành lập đoàn giám sát tối cao của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Đoàn giám sát cũng đã báo cáo Quốc hội chi tiết về vụ án trên. Thời điểm đó, gia đình bị cáo liên tục kêu oan, dư luận trong nước và nhiều tổ chức quốc tế cũng lên tiếng.
|
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: TH. |
"Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật", ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh, sáng 14/1/2008, người dân phát hiện hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại tại nơi làm việc.
Hai tháng sau, Hồ Duy Hải bị bắt và được xác định là hung thủ gây ra vụ án này. Theo bản án phúc thẩm, Hải thường đến Bưu điện Cầu Voi đặt mua báo nên quen chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi), là nhân viên bưu điện. Tối 13/1/2008, Hải đến nơi làm việc của chị Hồng chơi, cùng trực đêm đó với chị Hồng có chị Vân (21 tuổi, em họ chị Hồng). Tại đây, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nên đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây. Khi chỉ còn hai người, Hải kéo chị Hồng vào phòng ngủ nhưng bị chị chống cự. Vì thế Hải bóp cổ chị Hồng, lấy con dao và thớt gỗ ở gần đó sát hại chị.
Sợ sự việc bị bại lộ nên Hải giết luôn chị Vân khi chị này đi mua trái cây về. Gây án xong, Hải lấy 1,4 triệu đồng, điện thoại, 40 sim điện thoại của bưu điện và một số nữ trang của hai nạn nhân. Mấy hôm sau, Hải mang điện thoại, nữ trang đến TP. Hồ Chí Minh bán được 3,7 triệu đồng. Cuối năm 2008, TAND tỉnh Long An mở phiên toà sơ thẩm và tuyên phạt Hải tử hình về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”. Sau phiên toà này, Hải kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh bác kháng cáo của Hải, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau đó, Hải và gia đình có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá. Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ đẻ Hồ Duy Hải và yêu cầu tạm dừng thi hành án. Ngày 22/11/2019, VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, huỷ toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này để điều tra lại./.
Thu Hằng