Cơ quan Công tố liên bang Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra về thương vụ tập đoàn UBS mua lại ngân hàng Credit Suisse với sự hậu thuẫn của nhà nước.
Hồi tháng trước, UBS đã khẩn cấp mua lại Credit Suisse nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng trong hệ thống tài chính của Thụy Sĩ.
Theo Văn phòng Tổng chưởng lý Thụy Sĩ, cơ quan công tố có trụ sở tại thủ đô Bern đang xem xét khả năng vi phạm luật hình sự của các quan chức chính phủ, cơ quan quản lý và lãnh đạo ở cả hai ngân hàng trong quá trình này.
[UBS có thể cắt giảm 1/3 nhân viên sau khi tiếp quản Credit Suisse]
Trong một tuyên bố, cơ quan này cho biết có “nhiều khía cạnh trong các sự kiện liên quan Credit Suisse” cần được điều tra và phân tích “để xác định bất kỳ hành vi phạm tội nào có thể xảy ra thuộc thẩm quyền của cơ quan công tố.”
Cơ quan này nêu rõ: “Văn phòng Tổng chưởng lý muốn chủ động hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính Thụy Sĩ trong sạch và đã thiết lập một hệ thống giám sát để có thể hành động ngay lập tức đối với bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.”
Cơ quan Công tố liên bang Thụy Sĩ không nêu cụ thể những khía cạnh nào của thỏa thuận mua lại cần phải xem xét hoặc cuộc điều tra sẽ kéo dài bao lâu. Cả UBS và Credit Suisse đều từ chối bình luận khi được hỏi về vấn đề này.
Ông Mark Pieth, Giáo sư danh dự giảng dạy về luật hình sự và tội phạm học tại trường Đại học Basel (Thụy Sĩ), cho rằng việc cơ quan công tố liên bang lên tiếng là “đáng ngạc nhiên,” nhưng thương vụ giải cứu cũng không bình thường.
Cá nhân ông Pieth cho rằng cơ quan công tố có thể đang điều tra hành vi vi phạm điều khoản bảo mật của các quan chức hoặc giao dịch sử dụng các thông tin nội bộ. Ông cũng lưu ý rằng việc xóa sổ một số chủ trái phiếu theo thỏa thuận sáp nhập cũng là vấn đề cần xem xét.
Trong thỏa thuận công bố vào ngày 19/3, do Chính phủ Thụy Sĩ, Ngân hàng Trung ương và Cơ quan quản lý thị trường tài chính (FINMA) làm trung gian, UBS nhất trí mua lại ngân hàng "đối thủ" Credit Suisse với giá 3 tỷ franc (3,3 tỷ USD).
Giới truyền thông cho biết UBS đang nỗ lực hoàn tất thỏa thuận mua lại, dự kiến sớm nhất vào cuối tháng này.
Công chúng và giới chính trị gia Thụy Sĩ đã bày tỏ quan ngại về mức độ can thiệp của nhà nước trong thương vụ này, khi Chính phủ và Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ sẵn sàng "bơm" gần 260 tỷ franc Thụy Sĩ (hơn 280 tỷ USD) để hỗ trợ UBS tiếp quản Credit Suisse.
Theo kết quả một cuộc khảo sát, có tới 50% số các nhà kinh tế Thụy Sĩ được hỏi cho rằng việc để UBS tiếp quản Credit Suisse không phải là giải pháp tốt nhất, đồng thời cảnh báo sự việc này đã làm "sứt mẻ" danh tiếng của Thụy Sĩ với tư cách là một trung tâm tài chính.
Tuy được thiết kế nhằm mục tiêu góp phần đảm bảo ổn định tài chính trên toàn cầu trong giai đoạn hỗn loạn của lĩnh vực ngân hàng, nhưng thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse cũng làm dấy lên lo ngại về quy mô của ngân hàng mới được sáp nhập, với tổng tài sản lên tới 1.600 tỷ USD và 120.000 nhân viên toàn cầu.
Một nhà quản lý cấp cao giấu tên của UBS cho biết khoảng 30% nhân viên của tập đoàn có thể sẽ mất việc làm sau vụ sáp nhập này./.
Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)