Có gì đặc biệt trong TOP 300 đại học châu Á? 

(Chinhphu.vn) - Tạp chí giáo dục uy tín hàng đầu thế giới Times Higher Education (Vương quốc Anh) vừa công bố bảng xếp hạng 300 trường đại học ở châu Á năm 2017.
Có gì đặc biệt trong TOP 300 đại học châu Á?

Trước hết, trong TOP 10, quốc đảo Singpore với số dân ước 5,5 triệu người nhưng có tới 2 trường. Theo đó, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) giữ vị trí số 1 châu Á; Đại học Công nghệ Nanyang đứng thứ 4.

Trung Quốc - nước đông dân nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có 4 trường trong TOP 10. Cụ thể, Đại học Bắc Kinh đứng thứ 2, Đại học Thanh Hoa xếp hạng 3, Đại học Hong Kong thứ 5 và Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong xếp hạng 6.

Nhật Bản, cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới có 1 trường trong nhóm này, đó là Đại học Tokyo xếp hạng 7.

Hàn Quốc với “kỳ tích sông Hàn” vang dội thập niên 60-70 của thế kỷ trước đã có 3 trường trong nhóm dẫn đầu: Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc- KAIST xếp thứ 8, Đại học Quốc gia Seoul thứ 9 và Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang xếp thứ 10.

Tính chung trong danh sách 300 trường hàng đầu châu Á, tuy không có nhiều trường xếp thứ hạng cao nhưng Nhật Bản có nhiều trường nhất (69 trường), kế đến là Trung Quốc (54 trường), Ấn Độ (33 trường) và Hàn Quốc 26 trường.

Tại khu vực ASEAN, Thái Lan có nhiều trường lọt vào danh sách này nhất với 10 trường (như Đại học Makidol, Đại học Chiangmai, Đại học Công nghệ King Mongkut Thonburi, Đại học Chulakongkorn, Đại học Công nghệ Suranaree, Đại học Khon Caen…).

Malaysia có 9 trường (trong đó Đại học Malaya xếp hạng 59, Đại học Tunku Abdul Rahman, Đại học Putra Malaysia, Đại học Công nghệ Malaysia, Đại học Công nghệ Petronas, Đại học Sains Malaysia, Đại học Kebangsaan...); Indonesia có 2 (Viện công nghệ Bangdung, Đại học Indonesia) và Philippines có 1 trường (Đại học Philippines).

Bảng xếp hạng của Times Higher Education căn cứ vào việc tính điểm trong 4 lĩnh vực.

Theo đó, giảng dạy chiếm 25% số điểm, trong đó riêng “danh tiếng học thuật” chiếm 10%.

Lĩnh vực nghiên cứu chiếm 30% số điểm. Tầm ảnh hưởng nghiên cứu cũng chiếm 30%, cách tính điểm là dựa trên số lần công trình nghiên cứu của trường được các học giả toàn cầu trích dẫn.

Lĩnh vực cuối cùng chiếm 15% số điểm, bao gồm triển vọng quốc tế và chuyển giao kiến thức.

Triển vọng quốc tế được đánh giá dựa vào tỷ lệ sinh viên trong nước/ngoài nước, tỷ lệ giảng viên trong nước/ngoài nước và hợp tác quốc tế.

Chuyển giao kiến thức được xem là thu nhập của trường từ việc bán nghiên cứu cho các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, các trường đại học nước ngoài rất quan tâm đến việc được đánh giá, xếp hạng bởi các tổ chức quốc tế uy tín, vì điều này nói lên năng lực và uy tín học thuật, chất lượng đào tạo và khả năng cạnh tranh của họ. Những yếu tố này có tính quyết định đến việc thu hút sinh viên cũng như các khoản tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu.

Thanh Phương

485 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 746
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 746
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87070309