Tại Hội thảo về Biển Đông thường niên lần thứ 9 diễn ra mới đây ở thủ đô Washington, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã mời các học giả đại diện các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia... đánh giá về những diễn biến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông.
Giáo sư về quản lý chính sách ở Đại học Keio, ông Toshihiro Nakayama cho biết Nhật Bản là nước "rất dễ bị tổn thương" trước những diễn biến tiêu cực trên Biển Đông.
Ông giải thích: “Nhật Bản phụ thuộc hoàn toàn vào giao thương... Hơn 90% giao thương của Nhật Bản lệ thuộc vào vận chuyển bằng đường biển. Do đó, Biển Đông là huyết mạch hàng hải hết sức quan trọng đối với Nhật Bản. Nếu con đường hàng hải đó bị chặn hoặc nếu một quốc gia đơn lẻ nào đó làm chủ vùng biển đó thì Nhật Bản sẽ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương.”
Vì vậy, Nhật Bản "rất lo ngại trước ý đồ của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông."
[Quan chức Mỹ lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông]
Trong khi đó, bà Pooja Bhatt, nghiên cứu sinh tiến sỹ của Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), khẳng định lập trường của New Delhi về vấn đề Biển Đông là "hòa bình, ổn định và an ninh dựa trên luật pháp và chuẩn mực được quốc tế chấp nhận, ủng hộ tự do hàng hải, tự do hàng không và thương mại không bị gián đoạn."
Bà Bhatt chỉ ra rằng Ấn Độ có nhiều lợi ích ở Biển Đông và cũng sẽ là một “nạn nhân" nếu vùng biển này xảy ra bất ổn.
Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại “Hướng Đông,” Ấn Độ trong những năm qua đã tích cực tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị và quân sự với các nước xung quanh Biển Đông.
Cũng tại hội thảo, bà Bec Strating, giảng viên chính trị thuộc Đại học La Trobe (Australia), nhấn mạnh Australia cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông và đây là ưu tiên trước hết của nước này.
Bà nêu rõ: “Chính sách được công bố của Australia trong những năm qua là bày tỏ mối quan ngại lớn đối với các cường quốc đang nổi thách thức luật lệ trên biển, trên không, và xem đó là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực"./.
Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)