Chuyên gia Nga đánh giá cao sự phối hợp giữa Việt Nam và Nga tại LHQ 

Nhân dịp Việt Nam đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, phóng viên TTXVN tại Nga đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Ivan Nikolaievich Timofeev (I-van Ni-cô-lai-ê-vích Ti-mô-phê-ép) - Giám đốc chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) - về sự phối hợp hành động giữa Việt Nam và LB Nga tại các cơ cấu của LHQ trong thời gian tới.
Chuyên gia Nga đánh giá cao sự phối hợp giữa Việt Nam và Nga tại LHQ

Tiến sĩ Ivan Timofeev cho rằng việc Việt Nam trở thành ủy viên HĐBA LHQ là sự kiện tích cực, trong bối cảnh các nước ủy viên thường trực HĐBA thời gian qua chưa tìm được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề quốc tế. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp cho chương trình nghị sự của HĐBA LHQ các vấn đề mà Việt Nam cho là ưu tiên đối với đất nước, đối với khu vực và cả thế giới nói chung. Theo Tiến sĩ Ivan Timofeev, Việt Nam và Nga có quan điểm tương đồng trên hầu hết các vấn đề quốc tế. Hai nước đang thực hiện tốt công việc của mình và đã thiết lập sự hợp tác hiệu quả và chặt chẽ trên cả phương diện song phương, cũng như trong khuôn khổ LHQ, bao gồm cả Đại Hội đồng và các cơ cấu khác của LHQ.

Chuyên gia Nga tin rằng sẽ có rất nhiều đề xuất của Việt Nam tại HĐBA, tầm nhìn của Việt Nam về các vấn đề toàn cầu không chỉ được phía Nga lắng nghe, mà còn được nhìn nhận, đánh giá một cách xây dựng và nhận được sự ủng hộ từ phía Nga và HĐBA LHQ. Theo Tiến sĩ Ivan Timofeev, không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào trong hợp tác giữa hai nước tại HĐBA, mà ngược lại quan điểm của hai nước trong nhiều vấn đề thậm chí còn bổ sung cho nhau. 

Để củng cố sự hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tiến sĩ Ivan Timofeev cho rằng hai nước cần làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam, vì Việt Nam là nước đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu, nghĩa là cho đến nay Việt Nam là nước tiên phong trong hợp tác với Liên minh Kinh tế Á – Âu. Ngoài ra, cần phải gia tăng trao đổi thương mại song phương, do Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển rất năng động, trong khi LB Nga cũng là một nước lớn. 

Về hợp tác giáo dục, chuyên gia Ivan Timofeev cho rằng nền giáo dục Nga có nhiều tiềm năng để thu hút thêm sinh viên Việt Nam, song cần tạo điều kiện hơn nữa để sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học của Nga có thể ở lại làm việc, theo đuổi sự nghiệp, đồng thời duy trì liên hệ với Tổ quốc, qua đó củng cố quan hệ  giữa hai nước.

Theo Tiến sĩ Ivan Timofeev, để thu hút thêm nhiều du khách Việt Nam đến thăm nước Nga, cần phải có thêm nhiều hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Việt để thuận tiện hơn cho các đoàn khách Việt Nam, nghiên cứu tổ chức các tour du lịch đặc biệt dành cho du khách Việt Nam với những chương trình tham quan các danh lam thắng cảnh gắn với thời kỳ Xô Viết…

Về phương diện quân sự, Giám đốc chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế nhấn mạnh Việt Nam là một trong những thị trường vũ khí quan trọng của Nga và các chuyến viếng thăm của tàu hải quân Nga đến Việt Nam mang tính biểu tượng cao cho sự hợp tác quốc phòng chặt chẽ giữa hai nước./.

 
Theo TTXVN
200 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 319
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 319
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88622541