Giới phân tích cảnh báo lệnh cấm của Mỹ đối với dầu mỏ của Nga có thể đẩy giá dầu và thực phẩm, vốn tăng “phi mã,” lên cao hơn nữa, điều có thể gây ra tình trạng suy thoái nếu căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch Công ty phân tích thị trường dầu mỏ Lipow Oil Associates, cho biết nếu Nga trả đũa bằng cách từ chối cung cấp dầu mỏ cho châu Âu thì có thể “dễ dàng” đẩy giá dầu tăng thêm 20-30 USD mỗi thùng.
Nga từng dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu nếu các nước phương Tây nhắm mục tiêu trừng phạt tới lĩnh vực năng lượng của nước này.
[Giá xăng dầu tại Mỹ tăng kỷ lục, đe dọa sự ổn định kinh tế]
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga, bao gồm dầu mỏ, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao dịch ở mức trên 128 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng lên trên 130 USD/thùng.
Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết họ sẽ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga. Giá nhiên liệu tăng vọt trong những tuần gần đây, tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy kể từ năm 2008.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC, ông Lipow cho rằng giá dầu hiện tăng quá nhanh đến mức có thể gây ra suy thoái ở châu Âu và Mỹ Latinh, từ đó sẽ tác động tới Mỹ và cuối cùng ảnh hưởng đến khả năng bán hàng tiêu dùng của Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới.
Theo thống kê của ngân hàng Goldman Sachs, Nga cung cấp 11% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu, 17% lượng khí đốt toàn cầu và 40% lượng tiêu thụ khí đốt của Tây Âu vào năm 2021.
Trưởng bộ phận chuyên gia kinh tế hàng hóa Caroline Bain của tổ chức nghiên cứu Capital Economics ngày 7/3 nhận định trong trường hợp xấu nhất, lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga hoàn toàn ở tất cả các quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn sẽ “làm giảm nghiêm trọng và gián đoạn nguồn cung năng lượng, qua đó đẩy giá tăng lên mức chưa từng thấy.
Bà Bain nói: “Lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ vào khoảng 5% so với mức 2,4% mà giới chuyên gia nhận định trước khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine và tác động của việc giảm chi tiêu của các hộ gia đình và phân chia quyền lực ở châu Âu sẽ đẩy Khu vực đồng tiền chung châu Âu vào suy thoái"./.
Hà Chung (TTXVN/Vietnam+)