Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 21/3, khoảng 50 nhà lãnh đạo châu Âu và người đứng đầu các chính phủ đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về năng lượng hạt nhân do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tổ chức tại Brussels (Bỉ).
Tham vọng chính trị của các quốc gia châu Âu là phát triển năng lượng hạt nhân để đạt được các mục tiêu về khí hậu, nhưng lĩnh vực này đang phải đối mặt với việc thiếu đầu tư, chi phí lớn và sự chậm trễ triển khai các dự án.
Phát biểu với các phóng viên trước thềm hội nghị, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol nhấn mạnh nếu không có sự hỗ trợ của năng lượng hạt nhân, chúng ta không có cơ hội đạt được các mục tiêu về khí hậu đúng thời hạn.
Theo ông, năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng về mặt điện năng, đặc biệt là năng lượng mặt trời, được hỗ trợ bởi năng lượng gió và thủy điện. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn cần năng lượng hạt nhân, đặc biệt là ở những quốc gia không có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo.
Đã có những quan ngại về an toàn đối với việc sử dụng năng lượng hạt nhân ở châu Âu, đặc biệt sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, khiến Đức phải đóng cửa ngay lập tức 6 nhà máy điện hạt nhân và dần dần ngừng hoạt động các lò phản ứng còn lại.
Tuy nhiên, nhu cầu tìm giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga sau cuộc xung đột quân sự với Ukraine vào tháng 2/2022 và cam kết của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 đã làm sống lại mối quan tâm đến loại năng lượng này.
Mặc dù trên thế giới đã có 400 lò phản ứng sản xuất 370 gigawatt điện nhưng công suất này cần được tăng gấp đôi để đáp ứng những thách thức về môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho rằng công nghệ hạt nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Điều này thúc đẩy các quốc gia đưa ra các cam kết cụ thể về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và nhanh chóng triển khai các lò phản ứng tiên tiến.
Châu Âu cũng cần cải thiện năng lực của mình bằng cách khuyến khích các nhà khoa học phát triển và nghiên cứu để bắt kịp phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, ngân sách của Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), cơ quan nghiên cứu chủ chốt của EU, đã bị cắt giảm 20% trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chung của EU, ông Bernard Magenhann, châu Âu đang mất đi các kỹ năng do tình trạng già hóa dân số trong lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực hạt nhân và cần đảm bảo thay thế các kỹ năng trong tương lai gần.
Ông Bernard Magenhann nhấn mạnh hiện nay châu Âu cần phải đào tạo những nhân tài mới, để tránh tình trạng khó khăn về thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Đây là lần đầu tiên một cuộc họp cấp cao về năng lượng hạt nhân được tổ chức kể từ những năm 1950 và là sự khởi đầu của việc khai thác thương mại đối với năng lượng hạt nhân vì đây là một trong những giải pháp giúp giảm phát thải carbon trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu hiện nay./.
Năm 2023, thế giới đã lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo với công suất kỷ lục 473 gigawatt (GW), tuy nhiên, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt con số mục tiêu 1.000 GW/năm vào năm 2030.