Chuyến công du 'ngoại giao G7' của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida 

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của 2023, ông Kishida không chỉ thành công trong việc thuyết phục các nước hợp tác để tổ chức thành công hội nghị G7, mà còn gặt hái được nhiều kết quả khác.
Chuyến công du 'ngoại giao G7' của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida

Ngày 15/1, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã trở về Tokyo, kết thúc chuyến công du dài gần một tuần tới 5 nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của năm 2023 - năm Nhật Bản đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Kishida không chỉ thành công trong việc thuyết phục các nước hợp tác để tổ chức thành công hội nghị này, mà còn “gặt hái” được nhiều kết quả ấn tượng khác.

Các chặng dừng chân trong chuyến công du “ngoại giao Chủ tịch G7” lần này của Thủ tướng Kishida lần lượt gồm Pháp, Italy, Vương quốc Anh, Canada và Mỹ (trong số các nước G7, Thủ tướng Kishida không tới Đức vì các nhà lãnh đạo hai nước đã thăm lẫn nhau năm ngoái).

[Nhật Bản-Mỹ hợp tác để tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G7]

Tại các nước này, ông đều nhận được cam kết hợp tác vì “sự thành công” của hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Hiroshima vào tháng 5/2023.

Hơn nữa, các cuộc gặp trực tiếp cũng giúp Thủ tướng Kishida xây dựng hoặc củng cố quan hệ cá nhân với lãnh đạo của 5 quốc gia này trước thềm hội nghị quan trọng sắp tới, nhất là khi ông chưa từng có các cuộc gặp “mặt đối mặt” với những người đồng cấp Italy và Anh kể từ khi họ nhậm chức.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng thu được thành quả trong việc tạo ra sự đồng thuận giữa các nước thành viên G7 về các vấn đề quốc tế mới nổi lên trong thời gian gần đây, nhất là xung đột ở Ukraine, đồng thời hướng sự quan tâm của họ tới các vấn đề an ninh ở châu Á trong bối cảnh tình hình an ninh ở khu vực này đang ngày càng bất ổn.

Đặc biệt, tại các điểm đến, Thủ tướng Kishida và lãnh đạo của các nước sở tại đều đạt được đồng thuận về quyết tâm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đồng thời cam kết xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.

Mặt khác, trong chuyến công du đầu Năm mới, Thủ tướng Kishida đã thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên G7, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng. Điều này góp phần đa dạng hóa hợp tác quốc phòng của Nhật Bản, vốn đang chủ yếu phụ thuộc vào Mỹ.

Cụ thể, tại Pháp, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Emmanuel Macron đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy các cuộc tập trận chung có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Pháp.

Chuyen cong du 'ngoai giao G7' cua Thu tuong Nhat Ban Fumio Kishida hinh anh 2Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, tại Paris (Pháp) ngày 9/1/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tại Italy, Thủ tướng Kishida và người đồng cấp Giorgia Meloni đã nhất trí nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên mức đối tác chiến lược, đồng thời thông báo tổ chức đối thoại an ninh song phương theo định dạng “2+2” giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng.

Tại Anh, Thủ tướng Kishida và người đồng cấp Rishi Sunak đã ký kết hiệp định quốc phòng mới mang tên Hiệp định tiếp cận đối ứng (RAA) nhằm tạo dựng hành lang pháp lý cụ thể cho việc vận chuyển vũ khí khi hai nước tiến hành diễn tập quân sự chung hoặc tham gia vào các nỗ lực cứu trợ thiên tai ở mỗi nước. Đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu ký RAA với Nhật Bản.

Văn phòng Thủ tướng Anh nhấn mạnh đây là “hiệp ước quốc phòng quan trọng nhất” giữa Anh và Nhật Bản kể từ năm 1902.

Thỏa thuận “then chốt” này sẽ giúp đẩy nhanh hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước, cho phép cả Tokyo và London triển khai lực lượng ở trên lãnh thổ của nhau.

Trước đó, Nhật Bản, Italy và Anh đã nhất trí hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2035. Đây là dự án phát triển thiết bị quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản với các quốc gia khác ngoài Mỹ.

Tại Canada, Thủ tướng Kishida và người đồng cấp Justin Trudeau đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước, đồng thời đạt được đồng thuận về các nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tại cuộc hội đàm ở Ottawa, các nhà lãnh đạo hai nước đã xác nhận rằng các nhà lãnh đạo G7 sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề toàn cầu như kinh tế, năng lượng, an ninh lương thực, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu và y tế.

Tại Mỹ, Thủ tướng Kishida đã nhận được cam kết từ phía Tổng thống Joe Biden hợp tác để phát triển năng lực phản công của Nhật Bản.

Theo tuyên bố chung sau hội nghị, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Biden "đã chỉ thị cho các bộ trưởng tăng cường hợp tác trong việc phát triển và sử dụng hiệu quả năng lực phản công cũng như các năng lực khác của Nhật Bản."

Tháng 12 năm ngoái, nội các Nhật Bản đã thông qua bản cập nhật Chiến lược an ninh quốc gia và hai văn kiện quan trọng khác về quốc phòng, trong đó khẳng định Nhật Bản cần sở hữu năng lực “thực hiện các cuộc phản công hiệu quả vào lãnh thổ của kẻ thù như một biện pháp tự vệ tối thiểu.”

Đây được coi là sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, trước đây vốn chỉ chú trọng tới phòng thủ.

Mặt khác, Thủ tướng Kishida cũng một lần nữa nhận được cam kết của Tổng thống Biden về “bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung, sử dụng toàn bộ năng lực của mình, bao gồm cả hạt nhân.”

Tổng thống Mỹ đã khẳng định rằng Điều 5 cũng áp dụng cho quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Ngoài ra, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Biden cũng nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh giữa hai nước và hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời đồng thời cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích an ninh năng lượng.

Liên quan tới các vấn đề quốc tế, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Kishida ở Washington, Tổng thống Biden đã tái khẳng định "cam kết của Mỹ trong việc giải quyết ngay lập tức" vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980, đồng thời tìm cách "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.” Đây là những vấn đề Tokyo vẫn theo đuổi trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kết quả của chuyến công du trong một số lĩnh vực như hợp tác chống biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và năng lượng vẫn còn khá mờ nhạt.

Bên cạnh đó, các nỗ lực của Thủ tướng Kishida nhằm lôi kéo G7 vào các điểm nóng ở châu Á có thể sẽ khiến quan hệ giữa Nhật Bản và các nước láng giềng như Trung Quốc, Triều Tiên và Nga trở nên căng thẳng hơn.

Ngày 13/1, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng cho rằng các chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới một loạt nước G7 và cũng là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mang lại "sự bất ổn an ninh" cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

KCNA đăng bài viết của ông Kim Tong Myong, một nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, cho rằng Nhật Bản đóng vai trò là người dẫn đường "đưa NATO, di sản của Chiến tranh Lạnh, vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương" và hành vi như vậy đang "gieo mối bất hòa" trong khu vực.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia đánh giá với các thành quả đạt được trong chuyến công du, nhiều khả năng hình ảnh của Thủ tướng Kishida trong mắt công chúng Nhật Bản sẽ cải thiện đáng kể, nhất là khi tỷ lệ ủng hộ nội các của ông đã tụt xuống mức nguy hiểm sau vụ ba bộ trưởng trong nội các phải liên tục từ chức hồi cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, chuyến thăm có thể sẽ giúp củng cố vị thế của Thủ tướng Kishida trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cần quyền mà ông đang là chủ tịch./.

Đào Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)
506 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 684
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 684
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87176515