Mặc dù có nhiều lĩnh vực có khả năng hợp tác song các cuộc hội đàm không mang lại kết quả làm "tan băng" mối quan hệ song phương.
Sự thật là chuyến công du này đã được cả hai bên đoán biết trước song có vẻ như ông Johnson không thể đưa ra bất kỳ sáng kiến quan trọng nào để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn đang tồn tại giữa hai bên và hướng tới việc bình thường hóa quan hệ.
Theo nhà bình luận các vấn đề quốc tế Marko Gasic, chuyến thăm Moskva của Ngoại trưởng Johnson diễn ra trong bối cảnh London đã có những bước đi quan trọng trong tiến trình đàm phán với Brussels về những điều khoản rời khỏi Liên minh châu Âu (EU - được gọi là Brexit).
Đây có thể một trong những lý do hợp lý đằng sau nỗ lực của một quan chức ủng hộ Brexit như ông Johnson nhằm cải thiện mối quan hệ với Moskva.
Ông Gasis đã chỉ ra rằng việc rời khỏi một liên minh quốc tế quan trọng như EU nghĩa là phải tìm kiếm những đối tác mới.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Ben Williams, trợ giảng về chính trị và lý luận chính trị tại trường Đại học Salford cho rằng cả Nga và Anh đều có thể có lợi từ việc tăng cường hợp tác thương mại hậu Brexit.
Bên cạnh đó, những sự mong đợi cũng được "thổi phồng." Ông Johnson đã nhấn mạnh rằng Moskva và London vẫn nên "phối hợp vì hòa bình và an ninh" và có "những lợi ích to lớn chung" nhưng sự hợp tác thật sự giữa hai bên vẫn không mấy khả thi vì London dường như không sẵn sàng nhượng bộ cho bất kỳ vấn đề nào đang làm phức tạp quan hệ song phương trong những năm gần đây.
[Ngoại trưởng Sergey Lavrov: Quan hệ Nga-Anh ở mức rất thấp]
Không chỉ vậy, cuộc khủng hoảng Syria tiếp tục là một trong những vấn đề "gai góc" nhất giữa London và Moskva.
Tuy nhiên, trong suốt cuộc họp báo ngày 22/12, người đứng đầu ngành ngoại giao Anh không đề cập tới bất kỳ động thái nào có thể giúp vượt qua những bất đồng giữa hai nước về Syria.
Tương tự đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên cũng xuất hiện những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Anh và Nga.
Nhà bình luận Gasic bày tỏ hoài nghi về việc Moskva và London sẽ có thể hợp tác thành công trong vấn đề này vì Mỹ.
Là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một trong những đồng minh quân sự chủ chốt của Mỹ, Anh không thể đi ngược lại chính sách của Washington về cuộc khủng hoảng Triều Tiên, đặc biệt trong cách tiếp cận không loại trừ lựa chọn quân sự để giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, Nga liên tục kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng bằng phương pháp ngoại giao, bao gồm kế hoạch "đóng băng kép" vốn được cả Trung Quốc đề xuất.
Những cáo buộc của London về việc Nga can thiệp vào cuộc bỏ phiếu Brexit và bầu cử cũng nằm trong chương trình nghị sự giữa hai quan chức ngoại giao. Nhận định về vấn đề này, ông Gasic cho rằng ông Johnson "không đưa ra bất kỳ sự thật nào" bởi "ông ấy thực sự không có bất kỳ sự thật nào."
Chỉ duy nhất vấn đề cả hai ngoại trưởng nhất trí được đó là tầm quan trọng của những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo ông Gasic, cuộc chiến chống khủng bố là "một ví dụ hiếm thấy" của những lợi ích chung giữa Moskva và London, và có những khả năng hợp tác thực sự giữa Nga và phương Tây về vấn đề này./.