Chuyển biến tích cực về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng 

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chuyển biến tích cực về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng

Hội thảo “Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm đối với Việt Nam” do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 28/5 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thu hồi tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng lên.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã nâng lên trên 34%. Trong đó, có những vụ án đã thu hồi tới 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do các đối tượng tham nhũng gây ra.

Đạt được các kết quả trên là do các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra xác minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; việc tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản được tẩu tán ra nước ngoài; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng và khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Tuy nhiên, trong phòng chống tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp bởi số tiền tham nhũng thường bị thất thoát hoặc bị chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp; sự phối hợp với các cơ quan liên quan còn lúng túng; thời gian thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam còn bị kéo dài, nhiều trường hợp kết quả tương trợ chưa được như mong muốn; việc thực hiện yêu cầu tương trợ về truy tìm, kê biên, phong tỏa, trả lại tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; trách nhiệm thẩm quyền thực hiện yêu cầu này chưa được xác định một cách rõ ràng trong khuôn khổ của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Công ước của Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) dành riêng Chương 5 quy định về thu hồi tài sản với những điều khoản rất quan trọng đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên trong việc triển khai thực hiện một cách nghiêm minh và có hiệu quả trên địa bàn lãnh thổ quốc gia mình.

Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng để tham khảo trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đối với công tác phòng chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng là rất cần thiết.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu chuyên gia trong nước và quốc tế đã lắng nghe báo cáo “Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm đối với Việt Nam." Đồng thời, thảo luận và góp ý về hình thức, bố cục, nội dung thể hiện của Báo cáo; nêu những ý kiến góp ý sâu sắc, cụ thể về vai trò của các cơ quan hữu quan trong thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt.

Một số đại biểu cho rằng pháp luật Việt Nam cơ bản tương thích với các biện pháp và yêu cầu của UNCAC. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn trong tương trợ tư pháp về truy nã quốc tế, dẫn độ đối với tội phạm tham nhũng.

Luật pháp Việt Nam mới chỉ quy định hai cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng là qua Quyết định hành chính của người có thẩm quyền và quyết định của bản án có hiệu lực. Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) cũng khuyến nghị Việt Nam cần bổ sung cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội. Qua đó, ý kiến cho rằng nhóm nghiên cứu cần phân tích rõ hơn, đề xuất những khuyến nghị về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng đưa ra những góp ý để hoàn thiện thêm Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu; đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện quy định pháp luật về phương thức thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt tại Việt Nam./.

Chỉ tính riêng năm 2023, số việc phải thi hành án tham nhũng, kinh tế của Cục Thi hành Án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh là 468/4879 việc của toàn quốc. Số tiền phải thi hành án hơn 74.000 tỷ đồng, kết quả thu hồi hiện đạt hơn 17.000 tỷ đồng, chiếm tương ứng 76,87% và 87,15% của toàn quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thách thức lớn thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng

Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp như hiện nay đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác thu hồi tài sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

(TTXVN/Vietnam+)
74 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 647
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 648
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89002976