Chung tay mở chương mới cho hợp tác khu vực Mekong 

(Chinhphu.vn) – Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady- Chao Phraya- Mekong (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào-Myanmar -Việt Nam (CLMV) lần thứ 9 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 15-16/6.
Chung tay mở chương mới cho hợp tác khu vực Mekong
Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam với mục tiêu bao trùm là bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.

ACMECS thành lập tháng 11/2003 tại Hội nghị Cấp cao (HNCC) Bagan, (trước đó có tên là Tổ chức Chiến lược Hợp tác kinh tế (ECS) theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, ban đầu gồm 4 nước: Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Tại Hội nghị, các nước đã thống nhất đổi tên thành Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong).

Mục tiêu chính của ACMECS là nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực biên giới các nước, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách hiệu quả nhất, mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia.

Đến nay ACMECS có 8 lĩnh vực hợp tác gồm: Thương mại-đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp-năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế; môi trường.

Mỗi nước ACMECS điều phối ít nhất 1  lĩnh vực hợp tác, trong đó Thái Lan điều phối 2 lĩnh vực là thương mại- đầu tư và y tế; Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực là phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp - năng lượng và Việt Nam đồng điều phối với Campuchia trong lĩnh vực môi trường; Campuchia điều phối hợp tác du lịch; Lào điều phối hợp tác giao thông; Lào, Myanmar điều phối nông nghiệp.

HNCC ACMECS được tổ chức 2 năm 1 lần theo luân phiên chữ cái tên các nước, Hội nghị Bộ trưởng họp hằng năm. Các nước hiện đều giao Bộ Ngoại giao làm điều phối các bộ, ngành liên quan tham gia hợp tác ACMECS.

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của khu vực, ngày 28/11/2004, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tổ chức HNCC CLMV lần thứ nhất tại Lào.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Vientiane về tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước CLMV, khẳng định quyết tâm hợp tác của 4 nước vì mục tiêu chung và kêu gọi các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế cùng chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội tại khu vực Mekong. Các lĩnh vực hợp tác chính được lựa chọn gồm thương mại - đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.

Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, nhưng mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV.

Hơn nữa, hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp lập trường góp phần bảo vệ lợi ích của các nước CLMV trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Về cơ chế hợp tác, HNCC CLMV được tổ chức thường niên, quyết định những vấn đề lớn và định hướng hợp tác CLMV. Các hội nghị bộ trưởng và hội nghị SOM được tổ chức ngay trước HNCC. Để triển khai các lĩnh vực hợp tác, các nước CLMV nhất trí thành lập 6 nhóm công tác tương ứng với 6 lĩnh vực hợp tác, trong đó Việt Nam điều phối 3 nhóm công tác (thương mại - đầu tư, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực).

Sau hơn 15 năm, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước khu vực Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Nhờ các cải cách kinh tế sâu rộng và nỗ lực tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, khu vực Mekong đã trở thành khu vực phát triển năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng của ASEAN.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong hợp tác CLMV và ACMECS.

Việt Nam đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, cung cấp hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Trong các nước CLMV, Việt Nam có một số thế mạnh về quy mô kinh tế, kinh nghiệm phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, đưa ra các sáng kiến, đóng góp nguồn lực để thúc đẩy việc kết nối cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, khai thác bền vững tài nguyên, thúc đẩy các dự án phát triển chung của 4 nước.

Việt Nam đã lập Quỹ học bổng CLMV, theo đó mỗi năm Việt Nam cung cấp hàng chục suất học bổng cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar. Chương trình học bổng được các nước đánh giá cao và đề nghị tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong ACMECS, Việt Nam cũng nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung nhằm phát huy các tiềm năng, thúc đẩy phát triển bền vững, cùng các nước thành viên tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn với các đối tác trong và ngoài ASEAN.

Trong cả 2 cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS, Việt Nam đều đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa năm quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững tài nguyên lưu vực sông Mekong, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước. Việt Nam đã thúc đẩy thành lập nhóm công tác về môi trường trong khuôn khổ ACMECS và hiện đóng vai trò đồng chủ trì nhóm công tác.

An Bình

641 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 640
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 640
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87204517