Chứng khoán Mỹ tiếp tục trải qua ngày "Thứ Hai đen tối" 

(ĐCSVN) – Ngày 16/3, Thị trường chứng khoán Phố Wall tiếp tục có thêm ngày “Thứ Hai đen tối” khi chứng kiến mức giảm sâu nhất kể từ năm 1987 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm mức lãi suất chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế Mỹ.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục trải qua ngày "Thứ Hai đen tối"

Chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 12%, mất 324,89 điểm xuống còn 2.386,13 điểm. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ 12/2018, và là mức giảm lớn thứ 3 sau các mức giảm vào ngày “Thứ Hai đen tối” năm 1987 và 10/1929, bất chấp việc FED thông báo hạ lãi suất tới 1% đưa lãi suất Mỹ dao động trong khoảng 0% - 0,25% ngày 15/3. Đây là thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần trước cuộc họp chính sách của FED dự kiến sẽ diễn ra ngày 17-18/3.

Bên cạnh đó, chỉ số Dow Jones giảm 12,93%, mất 2.997,1 điểm, xuống còn 20.188,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 12,32%, mất 970,28 điểm, xuống còn 6.904,59 điểm.

Các chỉ số chứng khoán tiếp tục giảm mạnh vào cuối phiên giao dịch sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi họp báo cho rằng, đợt bùng phát tồi tệ của dịch bệnh có thể kéo dài tới tháng 8 năm nay và yêu cầu người dân Mỹ tạm dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong vòng 15 ngày và không tụ họp ở các nhóm hơn 10 người trong nỗ lực mạnh mẽ nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch Covid-19 tại Mỹ. Cũng theo Tổng thống Trump, hiện nước Mỹ có thể đang tiến gần tới sự suy thoái.

Jeffrey Kleintop - chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Charles Schwab cho biết: "chúng ta không thể biết khi nào đại dịch mới tác động toàn diện tới nền kinh tế".

Jim Paulsen – chiến lược gia tại Leuthold Group cho rằng thị trường đang "hoảng loạn toàn diện". "Cho đến khi nhà đầu tư thoải mái trở lại, tôi cho rằng biến động lớn sẽ tiếp tục diễn ra", ông nói.

Hiện, thị trường chứng khoán Phố Wall đã mất gần 30% giá trị. Chứng khoán Mỹ đã trải qua những ngày giao dịch “tồi tệ” nhất trong lịch sử vào tuần trước, chứng kiến tình trạng bán tháo diện rộng diễn ra trong ngày 9/3 và 12/3.

Tại thời điểm hiện tại, hầu hết giới quan sát thị trường đang chuẩn bị cho khả năng nền kinh tế Mỹ đang tiến dần đến suy thoái, tuy nhiên hiện còn quá sớm để có thể nhận biết toàn bộ quá trình này sẽ diến ra như thế nào.

Việc chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, cho thấy gói kích thích kinh tế mà FED công bố trong ngày 15/3 chưa đủ mạnh để có thể trấn an các nhà đầu tư tài chính. Các nhà đầu tư ngày càng tỏ ra lo ngại rằng các biện pháp khẩn cấp là không đủ để đối phó với những thiệt hại mà virus SARS-CoV-2 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.

Tính đến sáng ngày 17/3, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận số ca nhiễm Covid-19 là 4.657 người, số ca tử vong là 86 trường hợp. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhằm kiểm soát, hạn chế sự lây lan rộng của dịch bệnh, nhiều biện pháp đã được chính quyền Mỹ đưa ra như cấm tụ tập đông người, dừng các sự kiện, hoạt động văn hóa, đóng cửa các trường học và địa điểm du lịch như công viên Disney World, sân khấu Broadway, Nhà Trắng và Tòa nhà Quốc hội Mỹ...

Hiện SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại thủ đô Washington D.C và 49 bang, Quận Columbia và các cùng lãnh thổ của Mỹ là Puerto Rico, Guam, Virgin. Tình hình này đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch Covid-19 vào ngày 13/3, đồng thời giải phóng tới 50 tỷ USD cho các tiểu bang và vùng lãnh thổ Mỹ triển khai phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cùng với thủ đô Washington DC, một loạt thành phố và bang của Mỹ, như New York, San Francisco, bang Washington cũng thông báo cấm các cuộc tụ họp và tổ chức các sự kiện có đông người tham gia./.

 
Hoài Hà (Theo Reuters, CNBC)
216 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 326
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 326
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88622588