Với nỗ lực cao của chính quyền, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân cùng với việc huy động được nhiều nguồn vốn, từ năm 2000 đến nay toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa 1.070 km kênh mương các loại. Qua đó cấp nước tưới cả năm cho 47.300 ha lúa; 2.000 ha màu; 1.900 ha nuôi trồng thủy sản. Nhờ hệ thống kênh mương kiên cố đã góp phần tiết kiệm, giảm chi phí điện năng, tăng năng suất và sản lượng, đảm bảo mùa vụ, giảm nhẹ tác hại của thiên tai, giúp người dân ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Song kết quả đạt được so với yêu cầu vẫn còn hạn chế, nhiều khu vực đồng ruộng ở các địa phương vẫn chưa được kiên cố hóa kênh mương, tỉ lệ nước thất thoát còn lớn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn xây dựng đề án chương trình KCHKM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trình HĐND tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 3. Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh đã thảo luận và thông qua nghị quyết về chương trình KCHKM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 9/10/2009; quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp Quảng Trị đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 15/10/2014, đồng thời nâng cao năng lực tưới của các công trình thủy lợi từ 75% lên 85%, giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai, cải thiện môi trường, đồng ruộng, giúp nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với đòi hỏi khách quan đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Tờ trình số 4804/2016 của UBND tỉnh thì chương trình KCHKM thực hiện từ năm 2016-2020 với mục tiêu cụ thể là xây dựng các loại kênh có chiều dài 627 km, tổng số vốn thực hiện là 387,788 tỉ đồng. Trong đó kênh loại I có chiều dài thực hiện kiên cố 4 km, tổng kinh phí 6 tỉ đồng; kênh loại II thực hiện kiên cố 20 km, với số tiền 20 tỉ đồng; kênh loại III tổng chiều dài kiên cố 603 km, vốn thực hiện 361,788 tỉ đồng. Khối lượng còn lại thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với tổng chiều dài các loại kênh 428,2km, tổng vốn cần đầu tư 287,3 tỉ đồng. Đối tượng thực hiện là toàn bộ kênh mương chưa được kiên cố hóa trên địa bàn tỉnh.
Về chính sách đầu tư, Nghị quyết HĐND tỉnh nêu rõ: Kênh loại I do nhà nước và các dự án đầu tư; kênh loại II: Ngân sách tỉnh, vốn các chương trình, dự án và vốn vay ưu đãi. Kênh loại III: Ngân sách tỉnh, vốn các chương trình, dự án, vốn vay ưu đãi và đóng góp của nhân dân. Về chính sách huy động vốn: Vốn vay ưu đãi để thực hiện chương trình KCHKM chiếm 30% trong tổng vốn vay ưu đãi của tỉnh. Vốn theo Nghị quyết 02/2014 của HĐND tỉnh về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị đầu tư cho chương trình KCHKM chiếm 20%. Vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đầu tư cho chương trình KCHKM chiếm 20%. Vốn ngân sách huyện, thị xã, thành phố đầu tư cho chương trình KCHKM từ 2-3%.
Về chính sách huy động vốn đầu tư cho kênh loại III, nghị quyết nêu rõ: Đối với khu vực đồng bằng: Ngân sách tỉnh và vốn vay ưu đãi hỗ trợ 50%, nhân dân đóng góp 50%. Đối với huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông: Ngân sách tỉnh và vốn vay ưu đãi đầu tư 80%, nhân dân đóng góp 20%. Các xã đặc biệt khó khăn: Ngân sách nhà nước 95%, nhân dân đóng góp 5%. Để thực hiện mục tiêu đề ra thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cần phải được tổ chức thường xuyên thông qua các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, vận hành công trình thủy lợi sau đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả công trình và nguồn vốn đầu tư, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác duy tu, bảo dưỡng công trình, chống xuống cấp trong quá trình vận hành. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần thông báo rộng rãi cho nhân dân nắm được chủ trương tiếp tục thực hiện đề án chương trình KCHKM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 để nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.
Quá trình thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương cần tuân thủ quy chế và pháp lệnh dân chủ, đảm bảo công khai và có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân trên địa bàn, đảm bảo thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu đề ra.
PA