Theo Đặc phái viên TTXVN, đúng 14 giờ 10 phút ngày 5/9 theo giờ địa phương (tức 19 giờ 10 phút giờ Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới Sân bay Schwechat, tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka.
Đón và chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn tại Sân bay có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Áo.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 do Liên minh Nghị viện thế giới, Liên hợp quốc và Quốc hội Cộng hòa Áo phối hợp tổ chức từ ngày 6/9 đến ngày 8/9/2021 theo hình thức trực tiếp. Chủ đề tổng quát của Hội nghị là: “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm đem lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và Trái Đất này.”
Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có một số bài phát biểu về chủ đề tổng quát của hội nghị và tại một số phiên thảo luận, tập trung vào những nội dung như: “Để đạt được phát triển bền vững đòi hỏi tập trung hơn vào những lĩnh vực nào, hạnh phúc ấm no cho người dân, bảo vệ môi trường hay ưu tiên phát triển kinh tế,” “Ứng phó với đại dịch COVID-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân;” “Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững,” “Giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19”...
[Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường tham dự WCSP5]
Bên lề hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ gặp lãnh đạo Liên minh Nghị viện thế giới, hội kiến lãnh đạo một số Nghị viện các nước, gặp lãnh đạo 1 số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp Áo; dự diễn đàn doanh nghiệp Việt-Áo.
Tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại một số nước ở châu Âu. Các thành viên trong đoàn gồm một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố cũng sẽ có những hoạt động đóng góp vào hoạt động chung.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế hoạt động mới, đặc biệt của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Thông qua gặp gỡ Thượng đỉnh Nghị viện này, các nhà lập pháp toàn thế giới góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới được tổ chức định kỳ 5 năm một lần với sự hợp tác chặt chẽ của Liên hợp quốc. Năm 2000, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới đã tổ chức Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ nhất tại New York (Mỹ).
Là một thành viên tích cực của Liên minh Nghị viện thế giới, Quốc hội Việt Nam thường xuyên cử Đoàn cấp cao do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham dự các kỳ Hội nghị kể từ năm 2000 tới nay. Gần đây nhất, vào năm 2020, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 theo hình thức trực tuyến.
Tuyên bố chung đã được Hội nghị thảo luận thông qua, kêu gọi giải pháp toàn cầu đối với các vấn đề toàn cầu, tăng cường chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế, bày tỏ tin tưởng vào vai trò của Liên hợp quốc. Tuyên bố cũng nêu cao vai trò của giới trẻ trong nghị viện, vấn đề đổi mới công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghị trường trong bối cảnh đại dịch COVID-19./.
Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)