Chủ tịch Quốc hội Libya ban hành Luật Bầu cử Tổng thống và Quốc hội 

Những tranh chấp tiếp diễn liên quan tới quy trình bầu cử có thể khiến các cuộc bỏ phiếu khó diễn ra dù Chủ tịch Quốc hội Libya đã ban hành Luật Bầu cử Tổng thống và Quốc hội Quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Libya ban hành Luật Bầu cử Tổng thống và Quốc hội

Ngày 4/10, Chủ tịch Quốc hội Libya, ông Aguila Saleh, đã ban hành Luật Bầu cử Tổng thống và Quốc hội Quốc gia.

Tuy nhiên, những tranh chấp tiếp diễn liên quan tới quy trình bầu cử có thể khiến các cuộc bỏ phiếu khó diễn ra.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, người phát ngôn của Quốc hội Libya, Abdullah Belaihaq cho biết Hạ viện (HoR) có trụ sở ở miền Đông đã bỏ phiếu thông qua luật bầu cử vào ngày 2/10, nhưng không công bố số phiếu tán thành cũng như số lượng thành viên có mặt tại cuộc bỏ phiếu này.

[LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải có một chính phủ mới tại Libya]

Một cơ quan lập pháp khác là Hội đồng Nhà nước Cấp cao (HSC), có trụ sở ở Tripoli thuộc miền Tây, nơi Chính phủ Thống nhất quốc gia (GNU) được quốc tế công nhận đặt trụ sở, vẫn chưa đưa ra tuyên bố về việc có phê chuẩn luật này hay không.

Hiện vẫn tồn tại những tranh chấp trong hệ thống chính trị Libya khiến cho việc bỏ phiếu trở nên mong manh.

Các luật do Chủ tịch Quốc hội Libya ban hành ngày 4/10 do một ủy ban lập pháp chung gồm 6 thành viên HoR và 6 thành viên HSC soạn thảo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Đặc phái viên Liên hợp quốc vào tháng Bảy vừa qua, hiện trạng của các luật này “sẽ không thể cho phép tổ chức các cuộc bầu cử thành công.”

HoR cho biết muốn thay thế GNU bằng một chính phủ lâm thời mới trước bất kỳ cuộc bầu cử nào tại Libya, tuy nhiên điều này có thể gây ra một làn sóng bạo lực mới.

Để giải quyết xung đột Libya, các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang tập trung vào việc thúc đẩy các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống nhằm thay thế các thể chế chính trị lâm thời, bao gồm HoR, HSC và GNU.

Libya đã không thể tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 12/2021 như dự kiến trước đó do bất đồng về luật bầu cử giữa các đảng phái.

Kể từ cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn và tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc sau khi xảy ra sự phân cực giữa các phe phái vũ trang miền Đông và miền Tây từ năm 2014.

Các cuộc xung đột trên quy mô lớn đã tạm dừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay các phe phái tại Libya vẫn chưa tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài./.

Nguyễn Tùng (TTXVN/Vietnam+)

 

106 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1493
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1493
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88998164