Chủ tịch Ngân hàng châu Âu mong EU hỗ trợ các ngân hàng 

(ĐCSVN) – Ngày 25/5, Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (EBA) Jose Manuel Campa cho hay, các nước châu Âu cần hợp lực để bảo vệ các ngân hàng trước các tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Chủ tịch Ngân hàng châu Âu mong EU hỗ trợ các ngân hàng

Phát biểu với báo giới, ông Jose Manuel Campa cũng cho biết khả năng sử dụng quỹ tái thiết Liên minh châu Âu (EU) trị giá 500 tỷ euro (EUR) để thực hiện điều này.

Ông Campa đưa ra lời kêu gọi sau khi Lãnh đạo các nước Đức và Pháp ngày 18/5 đã đề xuất quỹ trị giá 500 tỷ EUR (543 tỷ USD) nhằm tái thiết các nền kinh tế thuộc EU bị tác động do đại dịch COVID-19.

Đề xuất này được đưa ra trong một cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Pháp Emmanual Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong một công bố được đưa ra, 2 nhà lãnh đạo cho biết, quỹ đề xuất này sẽ giúp các nước thành viên EU vượt qua thời kỳ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tổng thống Emmanuel Macron cho hay, theo đề xuất này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thay mặt 27 quốc gia thành viên EU nhận khoản nợ 500 tỷ EUR trên thị trường tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho các nền kinh tế thuộc EU bị ảnh hưởng nhất do đại dịch COVID-19.

Ông Jose Manuel Campa nhấn mạnh: "Điều này sẽ có ý nghĩa khi có một cách tiếp cận châu Âu để hỗ trợ các ngân hàng”.

“Cách tiếp cận đó có thể theo dạng một sự điều chỉnh cơ cấu vốn đề phòng theo kiểu Chương trình trợ cấp tài sản xấu (TARP). Ở đây, quỹ tái thiết kinh tế của EU có thể đóng một vai trò quan trọng". Ông Campa cũng gợi ý việc hỗ trợ có thể tập trung vào các ngân hàng về cơ bản lớn mạnh nhưng chịu ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Chương trình TARP của chính phủ Mỹ đã "bơm" hàng tỷ USD vào các ngân hàng. EBA cho rằng các ngân hàng châu Âu đã xây dựng một mức dự phòng bảo toàn vốn hơn 430 tỷ EUR, cao hơn mức đủ để xử lý những thiệt hại do hàng loạt các khoản vay chưa thanh toán trong bối cảnh các doanh nghiệp như các công ty lữ hành hay nhà hàng đang phải vật lộn để vượt qua đại dịch.

Tuy nhiên, một số ngân hàng, đặc biệt tại các nền kinh tế nơi đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề như Italy hay Tây Ban Nha, lại dễ bị tổn thương hơn so với các ngân hàng tại một số các quốc gia khác.

Chính quyền Berlin gần đây đã không còn phản đối các khoản vay chung của EU và thể hiện sự ủng hộ đối với quỹ tái thiết kinh tế trị giá 500 tỷ EUR này nhằm hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng do đại dịch.

Ông Jose Manuel Campa, người từng là Thứ trưởng Kinh tế của Tây Ban Nha đã thúc giục chính quyền Madrid nộp đơn xin cứu trợ quốc tế ngay khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Để tái thiết hệ thống tài chính, Tây Ban Nha đã thành lập một ngân hàng chuyên xử lý các khoản nợ xấu. Theo ông Jose Manuel Campa, “Việc sử dụng các ngân hàng này được cho là hữu ích. Hiện, Đức và Ireland cũng có các cơ quan quản lý tài sản theo cách tương tự”./.

 
Hoài Hà (Theo Reuters, AFP)
146 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 765
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 765
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87190620