Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 8/6 cho biết các biện pháp mà ngân hàng này thực hiện "tương xứng với những rủi ro nghiêm trọng" mà cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Phát biểu trong phiên điều trần diễn ra dưới hình thức trực tuyến tại Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ thuộc Nghị viện châu Âu, bà Lagarde cho hay các biện pháp ứng phó khủng hoảng của ECB là “tạm thời, có mục tiêu và tương xứng" với tình hình khủng hoảng.
ECB đã tăng quy mô chương trình thu mua trái phiếu chính phủ khẩn cấp ứng phó dịch COVID-19 (PEPP), trị giá 750 tỷ euro (846 tỷ USD), thêm 600 tỷ euro và đã quyết định gia hạn chương trình trên cho đến giữa năm 2021.
[Chính sách tiền tệ và giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng y tế của EU]
Bà Lagarde cho rằng sự linh hoạt của chương trình PEPP cùng hiệu quả của hoạt động mua tài sản dựa trên quan điểm chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ giúp chương trình trở thành công cụ thích hợp nhất với ECB trong việc tăng cường phản ứng chính sách đối với cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19.
Cũng theo bà Lagarde, ECB tiếp tục giám sát mức độ tương xứng của các công cụ. ECB đang thực hiện những đánh giá định kỳ như vậy, được phản ánh trong các biên bản cuộc họp, các bài phát biểu và trao đổi định kỳ với Nghị viện châu Âu.
Theo bà, các phân tích đều cho thấy hiệu quả thu được từ việc gia hạn PEPP là khá "tích cực."
Cùng ngày, ECB cho biết EU là khu vực phát hành trái phiếu xanh nhiều nhất.
Trong năm 2019, hơn 50% số trái phiếu trên toàn cầu tập trung ở EU và gần có tới 45,4% số trái phiếu xanh phát hành bằng tiền euro, cao hơn nhiều so với mức 25,7% phát hành bằng USD và 28,9% phát hành bằng các đồng tiền khác./.
Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)