Ngày 2/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một gói bảo hiểm trên quy mô toàn Liên minh châu Âu (EU), có thể lên tới 100 tỷ euro (109 tỷ USD) để hỗ trợ chương trình bảo hiểm thất nghiệp ở các quốc gia thành viên đang bị quá tải khi hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đưa ra đề xuất trên nhằm hàn gắn chia rẽ giữa các nước thành viên về cách ứng phó với cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng do dịch COVID-19 gây ra.
EC đề xuất tăng tiền mặt tạm ứng cho nông dân theo Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) và cho họ thời gian để đề nghị hỗ trợ, cũng như tăng thời gian để giải quyết các đề nghị này.
EU cũng đề xuất dỡ bỏ mọi hình thức đồng tài trợ, vốn trước nay là cần thiết khi các nước nhận tiền của EU để xây dựng các dự án hạ tầng như đường cao tốc, nhà máy xử lý nước thải hoặc cầu. Thay vào đó, các dự án này sẽ do EU chi trả hoàn toàn.
Để giúp ngành hàng hải và đánh cá, EC đề xuất cơ chế đặc biệt mềm dẻo trong việc sử dụng quỹ hàng hải và nghề cá để cung cấp các hỗ trợ cho ngư dân đang phải tạm thời ngừng đi biển vì dịch bệnh.
[EU thông qua biện pháp giải ngân lập tức các quỹ đối phó dịch COVID-19]
Phát biểu tại họp báo trực tuyến từ Brussels (Bỉ), bà der Leyen cho rằng ngân sách tiếp theo của EU cần phải đưa ra dưới dạng một "Kế hoạch Marshall" mới, nhằm thúc đẩy sự phục hồi của châu lục sau đại dịch.
Bà nhấn mạnh: "Chúng ta đều biết rằng trong cuộc khủng hoảng này, cần những câu trả lời nhanh chóng, chúng ta không thể chờ 1, 2 hoặc 3 năm để nghĩ ra các công cụ mới."
Theo bà der Leyen, ngân sách dài hạn, được biết đến với cái tên Khuôn khổ tài chính đa phương (MFF), là công cụ mạnh nhất. Bà cho biết: "Chúng tôi muốn định hình MFF theo cách đó là một phần quan trọng trong kế hoạch phục hồi... Tôi nghĩ ngân sách EU cần phải là Kế hoạch Marshall mà chính EU cùng nhau tạo ra cho người dân châu Âu."
Kế hoạch Marshall là một chương trình hỗ trợ của Mỹ dành cho các nước Tây Âu từ năm 1948 nhằm thúc đẩy sự phục hồi sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai.
Các tuyên bố trên của người đứng đầu EC được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đã ghi nhận hơn 500.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, bằng một nửa tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới.
Theo thống kê của hãng tin AFP, châu lục này đã ghi nhận 508.271 ca nhiễm và 34.571 ca tử vong, so với con số tương ứng trên toàn cầu là 940.815 ca nhiễm và 47.836 ca tử vong. Nước bị ảnh hưởng lớn nhất là Italy với 13.155 ca tử vong, Tây Ban Nha với 10.003 ca.
Hai nước này đều đã ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mỗi nước. Tuy nhiên, con số trên thực tế có thể còn cao hơn vì nhiều nước mới chỉ xét nghiệm các ca cần nhập viện./.
Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)