Chủ tịch COP28: Các nước gác lại lợi ích riêng để tìm được tiếng nói chung 

Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber nhấn mạnh Hội nghị COP28 đang đạt được tiến triển, nhưng "chưa đủ nhanh và chưa đủ đáp ứng yêu cầu" nên đã đến lúc các nước cần gác lại lợi ích riêng vì lợi ích chung.
Chủ tịch COP28: Các nước gác lại lợi ích riêng để tìm được tiếng nói chung

Ngày 9/12, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), ông Sultan Al Jaber hối thúc đại diện gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đẩy nhanh nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Phát biểu tại hội nghị đang diễn ra tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông al-Jaber nhấn mạnh Hội nghị COP28 đang đạt được tiến triển, nhưng "chưa đủ nhanh và chưa đủ đáp ứng yêu cầu."

Ông cho rằng đã đến lúc các nước cần gác lại lợi ích riêng vì lợi ích chung, qua đó thể hiện sự linh hoạt tối đa để đạt được sự đồng thuận.

Lời kêu gọi trên được ông al-Jaber đưa ra trong bối cảnh các cuộc thảo luận tại COP28 "nóng lên" về vấn đề tương lai của nhiên liệu hóa thạch.

 

Ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, một số quốc gia khác phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận tại COP28.

Giới quan sát hội nghị cho biết Saudi Arabia và Nga cho rằng trọng tâm của COP28 chỉ tập trung vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà không đề cập đến nguyên nhân do nhiên liệu hóa thạch gây ra.

Khói thải bốc lên từ một nhà máy lọc dầu ở Houston, Texas (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

COP28: Nóng tranh luận về vấn đề tương lai của nhiên liệu hóa thạch

Ít nhất 80 quốc gia lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong khi một số nước phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận của COP28.

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, chưa xác nhận rõ việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, song ủng hộ lời kêu gọi thúc đẩy hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo.

 

Trao đổi với báo giới ngày 9/12, Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Tạ Chấn Hòa cho rằng một thỏa thuận cuối cùng về tương lai của nhiên liệu hóa thạch có ý nghĩa quan trọng dù thỏa thuận đó không hoàn hảo.

Theo ông, Hội nghị COP28 sẽ không thành công nếu các quốc gia không thống nhất được quan điểm về tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi phải trải qua một giai đoạn khó khăn trong khi mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có những hoàn cảnh khác nhau.

Ông Tạ Chấn Hoa cho biết Trung Quốc đang phối hợp với tất cả các nhóm đàm phán lớn để tìm ra giải pháp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được đồng thuận giữa các bên vốn có những quan điểm rất khác nhau.

Đề xuất giảm dần hoặc loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Bản dự thảo mới nhất được công bố ngày 8/12 cho thấy các nước đang cân nhắc một loạt lựa chọn - từ việc nhất trí loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên cơ sở trình độ khoa học tốt nhất hiện có, loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch cho đến việc không đề cập đến sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

 

Đây là vấn đề mà các đại biểu từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại COP28. Về mặt lý thuyết, một thỏa thuận sẽ được hoàn tất vào ngày 12/12 - ngày họp cuối cùng của Hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)
231 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1237
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1237
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87124747