Sáng 13/7, Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trong đó, vấn đề được thảo luận nhiều nhất là về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. Ảnh: Văn Điệp
*Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp cùng cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Tại phiên họp sáng nay, các đại biểu, lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về: Phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước; Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; Về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
Giải trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, xung quanh xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc có khoảng 6 phương án. Đó là, thông qua con đường tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, hành chính - tư pháp, xử lý kinh tế - thu thuế thu nhập cá nhân và cuối cùng là thực hiện như luật hiện hành.
Theo Tổng Thanh tra, cần quan tâm đến loại tài sản, thu nhập, Nhà nước không chứng minh được do vi phạm pháp luật mà có, không chứng minh được thuộc sở hữu của Nhà nước. Còn người có nghĩa vụ kê khai dù đã giải trình nhưng so với các khoản tài sản, thu nhập hợp pháp, thu nhập thường xuyên và không thường xuyên thấy không hợp lý. “Loại này rất khó xử lý. Xử hình sự không được, dân sự cũng khó, hành chính cũng không xong. Nếu xử theo con đường hành chính - tư pháp thì phải có pháp lệnh. Trong tình trạng như thế, cơ quan soạn thảo đề xuất phương án thu thuế và được Chính phủ đồng ý” - Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nói, bên cạnh đó nhấn mạnh: “Kể cả thu thuế rồi, cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan Nhà nước chứng minh được tài sản, thu nhập đó là do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có”.
Tại các phiên họp trước, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý; tài sản, thu nhập có dấu hiệu do vi phạm pháp luật mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý; tài sản, thu nhập hợp pháp nhưng chưa nộp thuế thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế để xử lý theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành. Riêng tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan nhà nước cũng chưa chứng minh được do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có thì chuyển sang cơ quan quản lý thuế để thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế và thuế suất.
Cơ quan thẩm tra dự án Luật là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và cơ quan trình dự án thống nhất chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay và có tính khả thi nhất.
* Phương án thu thuế cá nhân chưa thuyết phục
Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Một số ý kiến cơ bản thống nhất về mức thuế suất 45% trong dự thảo Luật với những lý do như giải trình của Chính phủ và nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong thực hiện các giải pháp về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập để phòng chống. Nhiều ý kiến còn băn khoăn về căn cứ xác định mức thuế suất 45%.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn cho rằng, về vấn đề xử lý tài sản, "cơ bản chúng tôi thấy là các phương án đặt ra đều khó giải quyết". "Nếu bây giờ theo hướng không chứng minh được nguồn gốc tài sản chuyển sang thu thuế 45% thì cũng không có cơ sở. Vì phải khẳng định, thuế là áp dụng với thu nhập hợp pháp. Nếu không chứng minh được nguồn gốc thì tài sản có thể là hợp pháp hoặc không hợp pháp. Nên nếu thu thuế xong mai chứng minh được tài sản do phạm tội mà có thì xử lý hình sự cũng khó. Vì như vậy đã xử lý rồi lại xử lý tiếp" - Phó Viện trưởng nói.
Từ phân tích này, Phó Viện trưởng Trần Công Phàn đề nghị, đối với người kê khai không trung thực, việc đầu tiên phải xử lý kỷ luật với người đó. Còn xử lý tài sản thì vẫn theo quy định của luật hiện hành. Nếu chứng minh được hoặc khẳng định được đó là vi phạm về thuế thì cơ quan thuế xử lý hành chính, xử lý về thu thuế. Nếu tài sản đó có dấu hiệu phạm tội thì chuyển cơ quan điều tra xử lý về hình sự.
Liên quan đến mức thuế suất, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng có ý kiến giải trình liên quan đến phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nói rõ quan điểm của Bộ về cơ sở thực hiện phương án này.
Thứ trưởng cho rằng phương án thu thuế cá nhân là chặt chẽ về pháp luật. Thứ trưởng phân tích, thứ nhất đây là khoản mà cơ quan có trách nhiệm chưa chứng minh được là vi phạm pháp luật và giải trình của người kê khai cũng không hợp lý. Do đó sẽ chuyển sang cơ quan thuế để thực hiện thanh tra, kiểm tra, xác minh, trên cơ sở đó thực hiện theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Về phương án đánh thuế thu nhập cá nhân, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đồng ý quan điểm đó.
Phân tích về mức thuế suất 45%, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, mức thuế này được tính bằng cách cộng thuế đối với thu nhập không thường xuyên và phạt hành chính chậm nộp thuế. Trong trường hợp thanh tra, kiểm tra về thuế và thấy việc kê khai, hình thành thu nhập mà bất hợp pháp, ở mức độ nghiêm trọng thì tiếp tục chuyển sang cơ quan xử lý hình sự theo quy định của luật thuế. "Theo chúng tôi thì đây là theo kinh nghiệm thế giới, phù hợp quy định của luật thuế cũng như pháp luật về phòng, chống tham nhũng" - Thứ trưởng Tuấn nói.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho ý kiến rằng phương án thu thuế thu nhập cá nhân cũng có một vài bất cập: mặc dù quy định này là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế về xử lý tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng hiện nay nhưng lại dẫn đến làm thay đổi nghĩa vụ chứng minh so với quy định chung của pháp luật hiện hành; theo đó, chuyển từ trách nhiệm chứng minh của nhà nước sang trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu qua 2 kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định như trong dự thảo chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn; việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng chưa đủ cơ sở thuyết phục.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, sau phiên họp thứ 25, cơ quan chức năng tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và mời các cơ quan trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và các cơ quan liên quan để tiếp tục xin ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn./.
Xuân Tùng/TTXVN