Hãng thông tấn SANA vừa dẫn một nguồn tin quân sự nêu rõ, các nhóm khủng bố và một số phương tiện truyền thông đã phát đi những thông tin giả mạo về việc quân đội Ả rập Syria sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Kobani, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng đây cũng là kịch bản mà các lực lượng này thường sử dụng sau mỗi thất bại.
Ngày 19/5, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Syria đã tái khẳng định những nội dung được đưa ra trong bản tuyên bố của cơ quan chỉ huy các lực lượng vũ trang Syria nhằm bác bỏ cáo buộc về việc quân đội chính phủ đã sử dụng vũ khí hóa học tại Latakia. Tuyên bố nhấn mạnh về mức độ hợp tác đầy đủ của Syria đối với Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và cho biết thêm tổ chức này cũng đã tuyên bố rằng vũ khí hóa học không còn hiện hữu tại Syria.
Tuyên bố khẳng định, Syria chưa từng sử dụng vũ khí hóa học trong quá khứ và cũng sẽ không thực hiện công việc này trong tương lai bởi quốc gia Ả rập này không còn sở hữu các loại vũ khí tương tự. Syria coi việc sử dụng các loại vũ khí độc hại chống lại người dân nước này là việc làm đi ngược lại đạo đức và các nghĩa vụ quốc tế.
Quan chức trên nêu rõ, những thông tin bịa đặt trên sẽ không bao giờ có thể ngăn cản Syria theo đuổi cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cho tới khi nào an ninh và sự an toàn trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này được khôi phục đầy đủ.
Trước đó, ngày 18/5, một nguồn tin quân sự dẫn lời tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Syria khẳng định nước này sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, cho tới khi nào mối đe dọa này bị xóa sổ khỏi đất nước Syria.
Năm 2014, Syria tiến hành tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của nước này dưới vai trò giám sát của Mỹ và OPCW. Tuy nhiên, trong vài năm qua, thông tin về hàng chục vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Syria vẫn xuất hiện. Thậm chí báo cáo của OPCW còn ghi nhận về tình trạng sử dụng chất gây độc thần kinh sarin và chlorine một cách "có hệ thống" trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua tại Syria. Trước tình hình trên, chính quyền Damascus đã nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học và kêu gọi sự can thiệp từ Liên hợp quốc vào vấn đề này.
Ngày 7/4/2018, những thông tin về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma thuộc ngoại ô Damascus đã xuất hiện vào thời điểm quân đội Syria đang giành được những ưu thế trên thực địa tại khu vực này. Ngay lập tức, một số nước phương Tây đã quy kết trách nhiệm vụ việc cho Syria bất chấp sự phản đối của chính quyền Damascus. Tuy nhiên, chỉ 1 tuần sau nghi án quân đội chính phủ Syria tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma, 3 nước gồm: Anh, Pháp và Mỹ đã thực hiện vụ tấn công tên lửa nhằm vào các căn cứ và trung tâm nghiên cứu gần thủ đô Damascus và thành phố Homs với chủ đích được cho là “làm tê liệt” khả năng sản xuất vũ khí hóa học của chính phủ Syria.
Trước đó, ngày 17/5, Trung tâm tái hòa giải các phe phái xung đột của Nga tại Syria đã lên tiếng cảnh báo về khả năng các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Jabhat al-Nusra đang lên âm mưu thực hiện các hành vi khiêu khích tại vùng giảm căng thẳng ở khu vực phía Bắc để có thể đổ lỗi cho quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học./.
Thu Lan (Theo TASS, PressTV)