Anh rất mừng vì đây là cơ hội để được báo cáo, đồng thời kiến nghị, đề xuất tỉnh quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên anh cũng băn khoăn với số lượng khoảng 500 doanh nghiệp, lại được tổ chức trong một buổi thì liệu tất cả những “nỗi niềm” của các doanh nghiệp có được giãi bày không. Hơn nữa ở diễn đàn có quy mô, trang trọng thế này thường ưu tiên những doanh nghiệp lớn, hoặc thông qua tổ chức đại diện, nhưng mỗi doanh nghiệp có một hoàn cảnh, khó khăn khác nhau; có những vấn đề họ rất muốn nói nhưng e ngại vì doanh nghiệp nhỏ, chưa được biết nhiều, khả năng diễn đạt không tốt, thiếu mạnh dạn, thời gian không cho phép... nên đành im lặng.
Vậy nên anh mong có thêm nhiều diễn đàn được tổ chức với không gian gần gũi, cởi mở, thân tình để được chia sẻ với lãnh đạo tỉnh, các sở ngành về hoạt động của doanh nghiệp. Tôi biết tại cuộc đối thoại hôm đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đưa ra 16 ý kiến, không biết có nội dung nào liên quan đến Công ty TNHH MTV Từ Phong không nhưng những băn khoăn, suy nghĩ của anh rất đáng quan tâm.
Trong các thành tố xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng hết sức quan trọng, tạo ra phần lớn của cải vật chất, đây là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả thì không thể thiếu sự hỗ trợ đắc lực từ phía chính quyền mà trước tiên là hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách, việc thực hiện thủ tục hành chính, hỗ trợ thông tin, định hướng thị trường...
Để làm tốt điều này bắt buộc các cơ quan chính quyền phải biết được doanh nghiệp hiện đang thiếu gì, cần gì. Lâu nay chính quyền thường nắm thông tin qua văn bản báo cáo, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp hoặc qua kênh báo chí phản ánh, tức là do doanh nghiệp chủ động cung cấp, rồi mới xem xét. Trong lúc đó mục tiêu cuối cùng của bất kỳ chính quyền nào đều nhằm xây dựng một xã hội phát triển bền vững và để làm được điều này thì doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, gần như quyết định.
Vậy, xét một cách sòng phẳng là cả doanh nghiệp vàchính quyền đều “cần” nhau, hơn thế, chính quyền rất cần doanh nghiệp. Trước đây quan điểm này chưa được thể hiện rõ nét mà cứ nghĩ doanh nghiệp muốn phát triển thì tìm đến chính quyền nhờ giúp đỡ, tạo điều kiện. Tuy nhiên gần đây cho thấy đã có những chuyển biến tích cực trong tư duy mà rõ nhất là quan điểm của Thủ tướng về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm khiết, hành động, hướng tới doanh nghiệp, người dân.
Từ Chính phủ đến các tỉnh, thành đã chủ động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những khó khăn giúp doanh nghiệp hoạt động tốt. Buổi đối thoại ngày 3/4/2017 vừa qua của UBND tỉnh Quảng Trị với doanh nghiệp cũng không ngoài mục đích đó. Có nhiều cách để tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp và mỗi cách đều có ưu điểm của nó. Muốn biết nhiều thông tin về doanh nghiệp thì hãy tạo ra nhiều diễn đàn tương tác với doanh nghiệp.
Hiện nay Chính phủ và hầu hết các tỉnh thành đều có cổng điện tử để chủ động cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân; lãnh đạo tỉnh và cơ quan chức năng một số nơi thông qua mạng xã hội, đường dây nóng, tổ chức cà phê cuối tuần với doanh nhân để lắng nghe, tiếp nhận, xử lý công việc từ những thông tin mà doanh nghiệp, người dân cung cấp. Khác với không khí trang trọng tại hội trường, ở những diễn đàn dân dã này sẽ tạo được không gian gần gũi, thân thiện, thoải mái, cùng với việc tiết kiệm thời gian, chi phí, là điều kiện, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, người dân mạnh dạn chia sẻ, giãi bày với chính quyền.
Trong đó mô hình cà phê doanh nhân đang được xem như một điển hình đối thoại, là cơ hội tốt để tiếng nói doanh nghiệp đến với chính quyền. Đây là một nét mới trong việc tiếp cận thông tin, chính quyền sẽ nghe được nhiều câu chuyện từ thực tiễn khác xa báo cáo với những từ ngữ và con số đẹp.
Thực tế cho thấy lãnh đạo một số tỉnh đã tiếp nhận những thông tin, ý kiến đóng góp quan trọng qua những kênh này, giúp công tác quản lý, điều hành của chính quyền được kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, có một cách làm tuy chưa phổ biến nhưng được đánh giá cao, thể hiện sự cần thiết, cầu thị của chính quyền với tên gọi “bác sĩ doanh nghiệp”. Hoạt động của mô hình bác sĩ doanh nghiệp là chính quyền chủ động đi đến từng doanh nghiệp để hỏi xem họ có khó khăn, vướng mắc gì cần giải quyết, hỗ trợ.
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế- xã hội tỉnh Bắc Ninh, người đứng đầu chương trình “Bác sĩ doanh nghiệp” của tỉnh này kể: Khi chương trình “Bác sĩ doanh nghiệp” của tỉnh vận hành và số điện thoại của ông được công khai, có đại diện doanh nghiệp gọi hỏi: “Đây có phải sự thật hay là dịch vụ lừa đảo?”. Sở dĩ có câu hỏi đó là vì từ trước tới nay doanh nghiệp muốn đề xuất, phản ánh, khiếu nại vấn đề gì thường khó tiếp cận các sở, ngành liên quan; thời gian chờ đợi trả lời cũng rất lâu. Trong khi đó, hoạt động của chương trình bác sĩ doanh nghiệp hoàn toàn xa lạ với cung cách hành chính của cơ quan nhà nước.
Cũng giống như bao tỉnh thành khác, Quảng Trị đang tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân đến đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Để làm được điều này thì việc chủ động nắm bắt đầy đủ thông tin, nhất là những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là rất cần thiết đối với lãnh đạo tỉnh, các sở ngành.
Vậy nên thiết nghĩ, ngoài hình thức tổ chức đối thoại với doanh nghiệp như đã làm vừa qua, tỉnh ta cũng nên áp dụng những cách tiếp cận thông tin khác như thông qua mạng xã hội, đường dây nóng, cà phê doanh nhân, đặc biệt là mô hình bác sĩ doanh nghiệp như các tỉnh bạn. Như vậy chắc chắn lượng thông tin thu được sẽ nhiều hơn, hữu ích cho công tác quản lý, điều hành của chính quyền, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phát triển.