Chính quyền Mỹ tái khẳng định cam kết hành động vì khí hậu 

Trong tài liệu trình Liên hợp quốc năm ngoái theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 50-52% lượng khí thải so với mức năm 2005.
Chính quyền Mỹ tái khẳng định cam kết hành động vì khí hậu

 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/7 cho biết nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Âu gần đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để chống biến đổi khí hậu, và chính phủ Mỹ cam kết sẽ làm phần việc của mình bất chấp sự phản đối của cơ quan lập pháp và tư pháp.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết: “Mỹ cam kết sẽ tận dụng thời cơ hiện nay và làm mọi điều có thể, cả trong nước và quốc tế, nhằm đảm bảo rằng chúng ta sẽ có hành động phù hợp, không để thập kỷ mang tính quyết định này trôi qua vô ích."

Ông Price nhấn mạnh: “Chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt được các mục tiêu đã đặt ra.”

Theo kế hoạch, Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu về biến đổi khí hậu trong chuyến thăm Massachusetts ngày 20/7, vài ngày sau khi thượng nghị sỹ Dân chủ của bang Tây Virginia, ông Joe Manchin cho biết sẽ không ủng hộ dự luật khí hậu mà đảng này đưa ra Thượng viện. Tây Virginia là bang có ngành chủ đạo là khai thác than đá.

Tổng thống Biden đã nâng cao các tham vọng của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nhà thải khí lớn thứ hai, sau khi thắng cử năm 2020 trước cựu Tổng thống Donald Trump, người có quan điểm hoài nghi về khí hậu.

Trong tài liệu trình Liên hợp quốc năm ngoái theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 50-52% lượng khí thải so với mức năm 2005.

Đầu tháng này, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Mỹ, ông John Kerry cho biết Mỹ sẽ đạt mục tiêu trên bất chấp việc Tòa án Tối cao giảm quyền của chính phủ liên quan đến khí thải CO2.

[Hội nghị về khí hậu tại Đức kêu gọi các nước khẩn trương hành động]

Biến đổi khí hậu đang được cho là nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục tại nhiều nơi, đặc biệt là châu Âu.

Vương quốc Anh, nơi thường được gọi là “xứ sở sương mù,” đã lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục là 40 độ C ngày 19/7.

Các vụ cháy đã bùng phát ở các vùng đồng cỏ gần thủ đô London, trong đó có một vụ khiến 14 người phải đi sơ tán và nhiều ngôi nhà đã bị thiêu rụi.

Theo Cục Khí tượng Anh, ít nhất 34 địa điểm tại nước này đã ghi nhận nhiệt độ vượt mức kỷ lục trước đó là 38,7 độ C tại Cambridge, Đông England năm 2019.

Trong khi đó, nắng nóng kỷ lục kéo dài làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng ở Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha... khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán, trong khi Đức cảnh báo tình trạng hạn hán đang đe dọa đến an ninh lương thực.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra./. 

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

 

213 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1221
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1221
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87140380