Chính phủ thiểu số của Thụy Điển đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ liên quan đến kế hoạch nới lỏng các quy định cứng nhắc trong thị trường lao động nước này hiện nay.
Cuộc đàm phán giữa các nghiệp đoàn và tổ chức sử dụng lao động tại Thụy Điển diễn ra vào sáng 1/10 đã thất bại, khiến liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ-Xã hội và đảng Xanh phải tìm kiếm giải pháp cho vấn đề trên.
Tuy nhiên, liên minh cầm quyền này cần có sự ủng hộ của đảng Cánh tả cũng như hai đảng trung hữu nhỏ khác để thông qua kế hoạch nới lỏng các quy định hiện hành đối với thị trường lao động Thụy Điển.
Để có được nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Stefan Lofven đã phải thỏa thuận với hai đảng trung hữu (gồm đảng Trung tâm và đảng Tự do), trong đó có một loạt cải cách thân thiện với doanh nghiệp, như nới lỏng quy định trong thị trường lao động.
[Lãnh đạo Dân chủ Xã hội tái đắc cử Thủ tướng Thụy Điển nhiệm kỳ 2]
Ông Lofven đã cam kết với hai đảng này rằng nếu các nghiệp đoàn và chủ sử dụng lao động không đạt thỏa thuận về các quy định mới, chính phủ sẽ nới lỏng quy tắc "nhập trước-xuất sau," điều mà những người chỉ trích cho rằng sẽ cản trở khả năng thích ứng với các điều kiện thay đổi của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cánh tả Jonas Sjostedt tuyên bố ông sẽ khiến liên minh cầm quyền sụp đổ nếu kế hoạch mà ông cho là sẽ phá vỡ an ninh việc làm ở Thụy Điển, được thực thi.
Để làm được điều này, đảng Cánh tả sẽ cần có sự ủng hộ của đảng đối lập Ôn hòa và đảng Dân chủ để có thể thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ./.
Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)