Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama nhấn mạnh RCEP, khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 kim ngạch thương mại và dân số toàn cầu, sẽ trở thành “nền tảng cho hoạt động thương mại ở châu Á”.
Ông Hiroshi Kajuyama cho biết, “để thiết lập một trật tự kinh tế đáng mơ ước trong khu vực thông qua việc thực hiện ổn định thỏa thuận này, tôi hy vọng Hiệp định RCEP sẽ nhanh chóng được Quốc hội thông qua”.
Trước đó, ngày 15/11/2020, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết theo hình thức trực tuyến.
RCEP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Sau 8 năm đàm phán, RCEP hoàn tất với quy mô 2,2 tỷ người dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu. Việc ký kết RCEP tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ phục hồi và nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng trong khu vực.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định.
Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho các nước thành viên ASEAN. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho các nước ASEAN, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu. Việc thực hiện Hiệp định RCEP cũng tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần giúp môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Hiệp định RCEP là sáng kiến đầu tiên do ASEAN đề xuất và được các nước đối tác ủng hộ.
Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực khi ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 3 nước Đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định./.
Hoài Hà (Theo Kyodo, Xinhua)