Theo phóng viên TTXVN tại Washington, mặc dù các biện pháp giúp Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ phải đóng cửa vì hết kinh phí hoạt động được Hạ viện thông qua, nhưng dự luật này không vượt qua được “cửa ải” tại Thượng viện với tỷ lệ phiếu sít sao, 50 phiếu ủng hộ và 48 phiếu phản đối trong khi cần tối thiểu 60 phiếu ủng hộ. Diễn biến này đồng nghĩa với việc Tổng thống Donald Trump sẽ kỷ niệm năm cầm quyền đầu tiên trong bối cảnh chính phủ cạn kiệt ngân sách.
Trước đó, với những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn dự luật này, Tổng thống Trump đã gặp lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Charles Schumer (Sác-lơ Su-mơ), để thảo luận những bất đồng về vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, hai bên không đạt được một thỏa thuận chung. Phát biểu với các phóng viên bên ngoài Đồi Capital sau cuộc gặp đột xuất với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, Thượng nghị sĩ Schumer, đại diện bang New York (Niu Y-oóc), nêu rõ: "Chúng tôi đã đạt được một số tiến triển nhưng vẫn có một số bất đồng và hai bên vẫn chưa đi đến một thỏa thuận".
Việc chính phủ liên bang bị đóng cửa sẽ có ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh tế Mỹ. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời và hơn 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng sẽ không được trả lương. Các nhân viên làm các nhiệm vụ thiết yếu như đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh công cộng sẽ tiếp tục làm việc. Theo một nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ ước tính sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần.
Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Lịch sử Mỹ từng ghi nhận chính phủ đã phải đóng cửa vài lần. Gần đây nhất, vào năm 2013, chính phủ nước này đã buộc phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma). Trước đó, trong hai năm 1995-1996, chính phủ Mỹ cũng từng phải ngừng hoạt động 21 ngày./.
Theo TTXVN