Chính phủ Italy tránh nguy cơ sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện 

Tối 19/1, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã tiếp tục vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện với tỷ lệ 156 phiếu ủng hộ, 140 phiếu chống và 16 phiếu trắng.
Chính phủ Italy tránh nguy cơ sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện

Tối 19/1, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã tiếp tục vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện với tỷ lệ 156 phiếu ủng hộ, 140 phiếu chống và 16 phiếu trắng.

Ông Conte giành được thắng lợi này là nhờ thu hút được thêm số phiếu ủng hộ của một số thượng nghị sỹ độc lập cùng với 2 thượng nghị sỹ đối lập.

Hôm 18/1, Thủ tướng Conte cũng đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện với 321 phiếu ủng hộ, 259 phiếu chống và 27 phiếu trắng.  

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, với các kết quả nói trên, Thủ tướng Conte đã tránh được nguy cơ phải từ chức và tiếp tục chèo lái đất nước trong bối cảnh Italy đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai và tình hình kinh tế khó khăn.

Trước đó, phát biểu tại Thượng viện, ông Conte đã nhấn mạnh đến những khó khăn về chính trị và xã hội hiện nay ở Italy, coi đây là những yếu tố khiến việc điều hành lãnh đạo đất nước trở nên phức tạp hơn bình thường.

Thủ tướng từng là giáo sư luật này cho rằng giờ đây, điều cốt yếu đối với Italy là phải duy trì sự đoàn kết về chính trị nhằm đối phó với thách thức mang tính lịch sử, đó là đại dịch COVID-19. 

[Thủ tướng Italy Giuseppe Conte vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện]

Tính đến nay, Italy đã ghi nhận tổng cộng hơn 2,4 triệu ca mắc, trong đó hơn 83.000 trường hợp tử vong. Italy cũng có hơn 25.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đang phải điều trị trong các bệnh viện.

Hồi tuần trước, cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã khơi mào cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy sau khi quyết định rút hai bộ trưởng thuộc đảng Italia Viva của ông khỏi chính phủ.

Động thái này đã khiến chính phủ của Thủ tướng Conte đứng trước nguy cơ bị sụp đổ, buộc ông Conte phải tìm kiếm các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại lưỡng viện Quốc hội của Italy.

Nguyên nhân dẫn đến hành động rút khỏi liên minh cầm quyền của ông Renzi là do bất đồng với Thủ tướng Conte về cách thức xử lý đại dịch COVID-19 cũng như việc quản lý các khoản tài trợ trị giá 209 tỷ euro tiếp nhận từ Quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Renzi muốn khoản tài trợ này phải được đầu tư vào nền kinh tế số và lĩnh vực năng lượng xanh, đồng thời phản đối việc ông Conte có kế hoạch để các nhân vật kỹ trị, chứ không phải các nghị sỹ, quyết định những ưu tiên về chi tiêu.

Mặc dù sóng gió chính trị ở Italy giờ đây đã tạm thời lắng dịu, nhưng giới phân tích cho rằng việc lãnh đạo một chính phủ thiểu số sau khi đảng Italia Viva rút khỏi liên minh cầm quyền sẽ khiến ông Conte vấp phải nhiều khó khăn trong việc thông qua các dự luật quan trọng. Sự tồn tại của các chính phủ thiểu số lâu nay là điều khá phổ biến ở Italy. 

Kể từ năm 1946 đến nay, Italy đã có tới 29 thủ tướng và 66 chính phủ. Hiện Thủ tướng Conte đang đối mặt với một thách thức vô cùng to lớn, đó là phải phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh nhiều vùng ở nước này vẫn đang phải áp dụng các lệnh phong tỏa từng phần do dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ông cũng cần phải thúc đẩy để Quốc hội sớm thông qua kế hoạch phục hồi trọn gói liên quan đến khoản tài trợ 209 tỷ euro tiếp nhận từ Qũy Phục hồi của Liên minh châu Âu. 

Dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế vốn đã mong manh của Italy ngày càng lao đao. GDP của Italy dự kiến sụt giảm khoảng 10% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch. Fabio Panetta - thành viên ban giám đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho hay khoản tài trợ mà Italy tiếp nhận từ Qũy Phục hồi EU có thể giúp GDP của nước này tăng thêm 3,5% nếu như được đầu tư tốt và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

191 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 763
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 763
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87071931