Ba hộ nông dân Đức đã khởi kiện Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel với lý do chính phủ của bà đã không hành động thích hợp nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vụ kiện này sẽ được đưa ra tòa trong ngày 31/10.
Đây là nỗ lực đầu tiên nhằm buộc Chính phủ Đức phải chịu trách nhiệm cho những cam kết mà họ đã đưa ra nhằm giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Được sự ủng hộ của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, các gia đình khởi kiện cho rằng nông trại của họ đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự ấm lên toàn cầu và Đức, một trong những quốc gia có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới, cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Phát biểu trước khi phiên tòa diễn ra tại tòa án hành chính ở thủ đô Berlin, nguyên đơn Silke Backsen nêu rõ những mùa Hè nóng nực vừa qua và các mùa bão ngày càng mạnh lên đang gây khó khăn cho trang trại chăn nuôi hữu cơ của gia đình họ tại đảo Pellworm ở Biển Bắc.
[Video] Trái Đất tiếp tục xác lập kỷ lục tăng nhiệt độ đáng lo ngại
Việc nước biển dâng cũng khiến người dân khó lòng có thể sinh sống tại hòn đảo thấp này trong tương lai. Do đó, bà hy vọng tòa án sẽ bảo vệ các mục tiêu giảm khí thải vì tương lai của trẻ em và khu vực mà người dân đang sinh sống.
Luật sư của nguyên đơn nêu rõ thân chủ mong muốn các thẩm phán quyết định xem liệu những mục tiêu giảm khí thải đến năm 2020 mà chính phủ đưa ra có phải là nghĩa vụ bắt buộc với họ hay không.
Theo luật sư, Chính phủ Đức đã tự đề ra mục tiêu vào năm 2007, thậm chí là cả trước đó, nhằm giảm bớt khí thải của Đức ở mức 40% so với lượng khí thải của nước này vào năm 1990.
Luật sư nhấn mạnh ban đầu, đây là một cam kết chính trị và sau đó, nó trở thành một kế hoạch và mục tiêu này đã nhiều lần được nêu ra trong các quyết định của Nội các.
Những người nông dân muốn khởi kiện để buộc chính phủ phải thực hiện đúng những cam kết mà họ đề ra.
Trước đó, Bộ Môi trường Đức thừa nhận họ sẽ để lỡ mất mục tiêu vào năm 2020, song nhấn mạnh Berlin đang tập trung vào mục tiêu tham vọng hơn là đến năm 2030 có thể giảm được khí thải ở mức 55%.
Chuyên gia khí hậu của Greenpeace Anike Peters nhận định mục tiêu mới này đồng nghĩa với việc mục tiêu ban đầu sẽ chậm thêm 5 năm, gây tổn hại to lớn cho người dân Đức và những nơi khác trên thế giới.
Bà tin rằng với việc thất bại trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Đức đang vi phạm quyền cơ bản của người dân nước này./.
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)