Theo Bộ Quốc phòng Cộng hòa Séc, chiến lược quốc phòng mới được soạn thảo trong bối cảnh môi trường an ninh thay đổi mà nước này và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang phải đối mặt.
Chiến lược quốc phòng mới xác định ưu tiên hàng đầu của Cộng hòa Séc là xây dựng một lực lượng vũ trang được trang bị và huấn luyện tốt, có khả năng chiến đấu bền bỉ, có thể được triển khai trong các chiến dịch phòng thủ tập thể.
Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Séc Jana Cernochova nhấn mạnh rằng việc hiện đại hóa quân đội liên quan đến nhiệm vụ nêu trên, trong khi Cộng hòa Séc cũng cần chuẩn bị cho các chiến dịch toàn diện trên lãnh thổ của mình, đồng thời bảo đảm tiếp nhận, chuyển giao và hỗ trợ một lực lượng lớn đồng minh.
Chiến lược vừa được thông qua cũng khẳng định việc thiết lập an ninh tài chính cần thiết bằng cách duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và có thể tăng lên trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, theo chiến lược mới, nhiệm vụ bảo vệ đất nước không chỉ thuộc về Bộ Quốc phòng và quân đội, mà còn có sự tham gia của các cơ quan hành chính công và toàn xã hội.
[Quân đội Séc rút khỏi phái bộ huấn luyện của EU tại Mali]
Cộng hoà Séc cũng sẽ tăng cường tuyển dụng và chuẩn bị lực lượng vũ trang dự bị. Đồng thời, chiến lược mới cũng nhấn mạnh vai trò của công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng cũng như sự tham gia của ngành này vào hệ thống huy động kinh tế của đất nước.
Chiến lược quốc phòng mới này sẽ thay thế cho chiến lược hiện nay được thông qua từ năm 2017. Theo Bộ Quốc phòng Séc, chiến lược mới sẽ được tiếp nối bằng các tài liệu chiến lược, khái niệm và kế hoạch khác, trong đó từ nay đến cuối năm 2023 sẽ chủ yếu tập trung vào khái niệm xây dựng mới của quân đội Cộng hòa Séc đến năm 2035./.
Ngọc Long (TTXVN/Vietnam+)