Chính phủ Anh tuyên bố hơn 2.500 quy định của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục có hiệu lực tại Anh sau năm 2023, một bước nhượng bộ được các doanh nghiệp hoan nghênh.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Kemi Badenoch, khẳng định chính phủ sẽ treo điều khoản “hoàng hôn” trong Dự luật duy trì Luật EU, theo đó tất cả 4.800 quy định của EU có hiệu lực tại Anh sau Brexit (Anh rời EU) phải được đánh giá hoặc bãi bỏ vào cuối năm 2023.
Thay vào đó, sẽ chỉ có khoảng 600 quy định sẽ được bãi bỏ theo dự luật, bà Badenoch cho biết, nhấn mạnh do số lượng các quy định của EU được xác định đang gia tăng, điều khoản hoàng hôn đồng nghĩa với việc chính phủ tập trung vào việc giảm các nguy cơ pháp lý do duy trì luật EU hơn là ưu tiên các cải cách quan trọng.
Trong cuộc tranh cử vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ vào tháng 8 năm ngoái, ông Rishi Sunak cam kết sẽ đánh giá hoặc bãi bỏ tất cả các quy định của EU hậu Brexit trong 100 ngày đầu nhậm chức. Lúc đó, số lượng quy định của EU được xác định là 2.400, song con số này cho đến nay đã tăng gấp đôi.
Danh sách khoảng 600 quy định EU bị bãi bỏ dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới. Trước đó, khoảng 1.000 quy định đã được bãi bỏ, và khoảng 500 quy định sẽ được loại bỏ thông qua dự luật Thị trường và Dịch vụ Tài chính và dự luật Quy trình mua bán. Theo bà Badenoch, cả hai dự luật này đều đang được Quốc hội xem xét.
[Thủ tướng Anh xác nhận đạt thỏa thuận gia nhập Hiệp định CPTPP]
Bà Badenoch cho biết trong tương lai có thể có thêm các quy định được bãi bỏ. Bà cũng công bố các cải cách về quy định, bao gồm việc thay đổi cách áp dụng quy định của EU về thời gian làm việc, theo đó có thể giúp tiết kiệm 1 tỷ bảng (1,26 tỷ USD)/năm cho doanh nghiệp.
Phòng Thương mại Anh (BCC) hoan nghênh quyết định của chính phủ hủy bỏ điều khoản hoàng hôn, mà theo BCC có thể gây nên những hậu quả tiêu cực không dự tính trước.
Trưởng bộ phận chính sách của BCC, Jane Gratton, cho biết có sự cân bằng giữa việc bảo vệ sự ổn định cho doanh nghiệp đồng thời cải cách những quy định lỗi thời./.
Minh Hợp (TTXVN/Vietnam+)