Chính phủ Anh nỗ lực giảm sức ép nguồn cung khí CO2 công nghiệp 

Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice cảnh báo ngành thực phẩm Anh sẽ phải chứng kiến giá khí CO2 sạch tăng mạnh trong thời gian tới, từ mức 200 bảng/tấn lên 1.000 bảng (1.365 USD)/tấn.
Chính phủ Anh nỗ lực giảm sức ép nguồn cung khí CO2 công nghiệp

Ngày 22/9, Chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận với công ty CF Industries của Mỹ để tái khởi động sản xuất khí CO2 công nghiệp tại hai nhà máy ở Billingham và Cheshire (miền Bắc England) nhằm tăng nguồn cung CO2 phục vụ ngành chế biến thực phẩm.

Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice cho biết thỏa thuận hỗ trợ cho công ty CF Industries sẽ tốn “hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu bảng Anh, nhưng đó là nhằm giữ cho giá ổn định.”

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, ông cảnh báo ngành thực phẩm Anh sẽ phải chứng kiến giá khí CO2 sạch tăng mạnh trong thời gian tới, từ mức 200 bảng/tấn lên 1.000 bảng (1.365 USD)/tấn.

Giá bán sỉ được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay, khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian áp đặt lệnh phong tỏa để phòng COVID-19 và nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng tại châu Á tăng cao đang làm giảm nguồn cung tới châu Âu, dẫn đến tình trạng khan hiếm khí CO2 cho ngành thực phẩm.

Cảnh báo trên được đưa ra dù chính phủ đã hỗ trợ hàng chục triệu USD cho một công ty sản xuất phân bón nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung thực phẩm.

Khí CO2 sạch được sử dụng để làm choáng động vật trước khi giết mổ, phục vụ việc đóng gói chân không các sản phẩm thực phẩm, giúp ngăn vi khuẩn hình thành trong thực phẩm tươi sống và bảo quản thực phẩm lâu hơn.

CO2 cũng được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất bia và nước ngọt, đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống làm lạnh, giúp tạo ra đá khô để bảo quản thực phẩm tươi trong quá trình lưu kho và vận chuyển đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, CO2 có thể kích thích tăng trưởng lành mạnh của cây trồng trong nhà kính, cũng có thể dùng để lọc nước uống. Hơn thế nữa, trong lĩnh vực thẩm mỹ, loại khí này được dùng trong điều trị sâu răng cũng như triệt tiêu mụn cóc và nốt ruồi.

Ngành thực phẩm Anh vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất phân bón, vì CO2 là sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất phân bón.

Tuy nhiên, một loạt nhà sản xuất phân bón cung ứng CO2 cho các nhà máy chế biến thịt của Anh đã phải hạn chế sản xuất do giá khí đốt tự nhiên tăng cao, khiến nguồn cung CO2 cho nước Anh bắt đầu thiếu hụt.

Hai công ty trên cung cấp khoảng 60% nhu cầu CO2 cho các nhà máy chế biến thịt tại Anh.

Tình trạng khan hiếm khí CO2 sạch phục vụ sản xuất không chỉ là vấn đề của riêng nước Anh.

Công ty Nippon Gases của Nhật Bản, một trong những nhà phân phối CO2 công nghiệp lớn nhất thế giới, cho biết đây là tình trạng chung của châu Âu.

Trong năm ngoái, doanh thu từ khi CO2 công nghiệp mà Nippon Gases bán cho châu lục này là gần 1,5 tỷ USD. Công ty ước tính nguồn cung sẽ giảm 50% và cho biết “nhiều nước khác ở châu Âu sẽ phải chịu cảnh khan hiếm nguồn cung.”

[Khởi động nhà máy thu khí CO2 lớn nhất thế giới tại Iceland]

Cùng ngày, Vương quốc Anh thông báo triển khai kế hoạch đầu tư 220 triệu bảng Anh (300 triệu USD) nhằm giúp các công ty sản xuất gây ô nhiễm nhiều nhất giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm khí thải.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các công ty sản xuất sử dụng nhiều năng lượng đang đối mặt với giá khí đốt và giá điện cao kỷ lục, buộc một số công ty phải ngừng sản xuất.

Theo cơ chế đầu tư mới, các công ty sản xuất thép, đồ uống và thực phẩm, giấy… có thể đề nghị xin hỗ trợ tối đa 30 triệu bảng để đầu tư vào công nghệ thải ít CO2, như nồi hơi hiệu quả hơn hoặc công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2.

 

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Boris Johnson cho biết: “Với đầu tư và đổi mới trong toàn nền kinh tế, chúng ta có thể đẩy mạnh cải cách công nghiệp xanh tại Anh. Nhưng chúng tôi biết rằng đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và gây ô nhiễm nhiều nhất, đây sẽ là một thay đổi lớn trong cách vận hành.”

Anh đặt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050. Theo đó, nước này đã giảm đáng kể khí thải trong lĩnh vực điện lực, nhưng việc giảm khí thải trong công nghiệp là rất khó.

Liên quan vấn đề năng lượng tại Anh, công ty năng lượng đa quốc gia Vattenfall đã công bố các kế hoạch phát triển một mạng lưới sưởi ấm có thể phục vụ tới 500.000 hộ gia đình ở 4 quận của thủ đô London.

Vattenfall công bố kế hoạch trên ngày 21/9 và khẳng định đây sẽ là dự án lớn nhất ở Anh nhằm giảm 90% khí thải liên quan đến sưởi ấm cho các hộ gia đình so với mô hình truyền thống sử dụng nồi hơi khí đốt.

Dự án trên được chia làm 3 giai đoạn. Vattenfall và công ty năng lượng từ rác EfW Cory sẽ bắt đầu xây dựng giai đoạn đầu từ năm 2022.

Trong giai đoạn đầu, mạng lưới hạ tầng sẽ được lắp đặt để phục vụ 10.500 nhà ở quận Bexley, được cung cấp nhiệt từ nhà máy tái chế năng lượng Riverside của Cory ở Belvedere.

Nhà máy này sẽ được mở rộng trong những tháng tới. Giai đoạn hai sẽ phục vụ 21.000 nhà ở Bexley và Greenwich. Khách hàng đầu tiên sẽ được kết nối mạng lưới vào đầu năm 2030. Giai đoạn ba sẽ phục vụ 75.000 nhà ở các quận nói trên.

Vattenfall tuyên bố có thể mở rộng hơn nữa để đến cuối năm 2040 phục vụ 500.000 hộ gia đình, mở rộng địa bàn tới các quận Newham, Barking và Dagenham. Trường học, doanh nghiệp và các tòa nhà hội đồng quận cũng sẽ được kết nối vào mạng lưới này.

Giám đốc điều hành Vattenfall Heat UK, ông Mike Reynolds cho biết hầu hết trong số 3,5 triệu nhà và hàng nghìn tòa nhà thương mại ở London hiện đang được sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch vì chưa có đủ năng lượng sạch để phục vụ.

Theo ông, dự án mới sẽ cung cấp nguồn nhiệt giá rẻ, ít thải khí, có thể tránh khỏi các cú sốc năng lượng./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

 

185 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 680
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 680
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89003077