Ngày 18/3, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell cho rằng "chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza đã biến vùng lãnh thổ này thành 'nghĩa địa ngoài trời' lớn nhất thế giới. Đó là nghĩa địa của hàng chục nghìn người và cũng là nghĩa địa của nhiều nguyên tắc quan trọng nhất của luật nhân đạo."
Ông Borrell cũng lên tiếng chỉ trích Israel khi không cho phép xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza.
Theo số liệu của cơ quan y tế tại Dải Gaza, cuộc xung đột Hamas-Israel nổ ra từ ngày 7/10 năm ngoái đến nay đã khiến ít nhất 31.726 người thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá về an ninh lương thực do Liên hợp quốc hỗ trợ thực hiện, khoảng 50% dân số tại Dải Gaza đang đối mặt với nạn đói "thảm khốc."
Dự báo tình cảnh đó sẽ xảy ra ở phía Bắc vùng lãnh thổ này vào tháng Năm năm nay nếu không có sự can thiệp khẩn cấp.
Ngày 18/3, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) Beth Bechdol nhấn mạnh rằng việc 50% dân số rơi vào tình trạng thảm khốc trên là điều chưa từng có.
Theo báo cáo của hệ thống Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) - một sáng kiến có sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, khoảng 1,1 triệu người đang phải trải qua tình trạng "mất an ninh lương thực thảm khốc" do cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Tình hình ở phía Bắc Gaza đặc biệt nghiêm trọng. Các cơ quan viện trợ đã báo cáo khó khăn trong việc tiếp cận khu vực này để phân phối hàng viện trợ.
Căn cứ xếp hạng mức độ đói từ 1-5, cơ sở để Liên hợp quốc hoặc các chính phủ sử dụng nhằm quyết định có hay không tuyên bố nạn đói, hệ thống IPC cảnh báo nạn đói sắp xảy ra ở khu vực phía Bắc Gaza và dự kiến sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào trong giai đoạn từ giữa tháng 3-5 năm nay.
Tất cả các bằng chứng đều cho thấy tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng đang gia tăng đáng kể.
Hiện, có khoảng 300.000 người không tiếp cận được với các nguồn viện trợ do tình hình giao tranh.
Báo cáo của IPC dự báo nạn đói sẽ xảy ra theo "kịch bản nhiều khả năng nhất," dựa trên các giả định rằng xung đột sẽ leo thang và tình trạng thù địch tiếp tục cản trở hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, vẫn có thể tránh được kịch bản này nếu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức. Song song với đó, mọi nỗ lực phải được thực hiện để đảm bảo cung cấp lương thực, nước uống, thuốc men và bảo vệ dân thường cũng như khôi phục, cung cấp các dịch vụ y tế, nước, vệ sinh, và năng lượng.
Các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết trong bối cảnh xung đột tại Dải Gaza tiếp tục leo thang, các hoạt động viện trợ nhân đạo đã được chuyển sang thực hiện bằng đường hàng không hoặc đường biển, nhưng điều này không thể thay thế được các nỗ lực vận chuyển lượng lớn hàng viện trợ trên đất liền.
Cũng trong ngày 18/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại bệnh viện Al Shifa tại phía Bắc Dải Gaza sau cuộc đột kích của Israel vào địa điểm này.
Phát biểu trên nền tảng X, ông Ghebreyesus nhấn mạnh rằng: "Đừng bao giờ biến các bệnh viện thành chiến trường. Điều này thật khủng khiếp. Chúng tôi vô cùng lo ngại về tình hình tại bệnh viện Al-Shifa, nơi đang đầy nguy hiểm đối với các nhân viên y tế, bệnh nhân và cả dân thường."
Trước đó, giới chức y tế Palestine cho biết cuộc đột kích của Israel đã gây nhiều thương vong và một đám cháy dữ dội./.
Liên quan tình hình Gaza, quan chức UNICEF nói: "Hàng nghìn trẻ khác đã bị thương hoặc chúng tôi thậm chí không thể xác định được các em ở đâu. Các em có thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát..."