Tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng được xem là chiến thuật hiệu quả nhất để tự vệ trước đại dịch.
Đây là thực tế đã được công nhận rộng rãi. Nhưng thực tế này có một khía cạnh mà tầm quan trọng cho đến nay vẫn cần được nhấn mạnh, đó là để chiến thuật vaccine có thể phát huy hiệu quả tối đa, việc tiêm chủng phải được tiến hành đồng đều và toàn diện ở cấp độ toàn cầu, thay vì để rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy lo” đang có khuynh hướng mở rộng trong thời gian gần đây.
“Vào thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, thế giới từ rất sớm đã hiểu rằng để đánh bại đại dịch, thứ chúng ta cần không đơn giản là vaccine mà hơn thế là được tiêm chủng.”
Đây là câu mở đầu bài viết của Tiến sỹ Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), đăng tải hồi tháng 5 trên tạp chí Time.
Thông điệp của bài viết rất rõ: “Chừng nào tất cả mọi người ở tất cả mọi ngóc ngách của thế giới - chứ không chỉ những người có khả năng tiếp cận được vaccine - chưa được bảo vệ, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục hoành hành.”
Chuyên gia này đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề cấp thiết nhất hiện nay: “Tắc nghẽn nguồn cung là vấn đề của nhiều quốc gia, nhưng ở cấp độ toàn cầu, vấn đề bây giờ không phải là thiếu vaccine mà số vaccine hiện nay không được luân chuyển tới những nơi cần kíp nhất.”
[Lãnh đạo EMA kêu gọi đảm bảo toàn thế giới được tiếp cận vaccine]
Nghiên cứu do Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19" (COVAX) ủy quyền thực hiện cho thấy trong khi hơn 30% dân số ở các quốc gia giàu có nhất hiện đã được tiêm chủng mũi đầu tiên, chỉ 0,2% số người ở các nước có thu nhập thấp hơn được tiêm vaccine. Dữ liệu mới của Trung tâm Đổi mới y tế toàn cầu tại Đại học Duke (Mỹ) cho thấy Canada, Anh, Mỹ, Nhật Bản và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thu gom tổng cộng 5,3 tỷ liều vaccine, trong khi tổng dân số của các nước này chỉ hơn 1 tỷ người.
Điều này có nghĩa là những quốc gia phát triển có đủ nguồn cung để tiêm chủng 3 lần cho dân số của họ và sau đó vẫn sẽ còn nguồn dự trữ dư dả.
Canada là quốc gia có số lượng vaccine được mua trên đầu người cao nhất, với tổng số 381 triệu liều cho dân số hơn 37 triệu người, tức là đủ để tiêm cho mỗi người dân 10 liều vaccine.
Vương quốc Anh sẽ có thể cung cấp cho mỗi người dân 7 liều, EU 6, còn Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 3 và 2 liều. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải vật lộn để tìm kiếm vaccine, kể cả qua các giao dịch trực tiếp hoặc COVAX. Colombia và Indonesia hiện có đủ để cung cấp trung bình 0,9 liều cho mỗi người, Nam Phi có 0,5 liều và Pakistan chỉ có 0,1.
Nhìn vào thực trạng này, Tiến sỹ Berkley đã nêu bật một nghịch lý: “Các chính phủ nhận thức rõ ràng nhu cầu đảm bảo quyền tiếp cận công bằng vaccine và ủng hộ nguyên tắc được tiêm chủng đồng đều không phải phụ thuộc vào khả năng tài chính - thể hiện qua sự hỗ trợ và tài trợ của họ cho COVAX. Thế nhưng, chúng ta đồng thời cũng vẫn nhìn thấy những hành động ở các chính phủ như cấm xuất khẩu và tích trữ vaccine đã và đang cản trở nỗ lực chấm dứt đại dịch ở cấp độ toàn cầu.”
Liên tiếp trong vài tuần qua, hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ngày 12/6 tại Anh, các tổ chức, thể chế đa phương và lãnh đạo các nước đã kêu gọi các thành viên G7 đầu tư cho việc bảo phủ tiêm phòng COVID-19 toàn cầu.
Lời kêu gọi được công nhận về tính cấp thiết ngay cả trong nội bộ G7, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thúc giục các nước thành viên chung tay với mục tiêu hoàn tất việc tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm sau.
Ngay trước thềm hội nghị, lãnh đạo Anh cũng thông báo G7 sẽ nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.
Ngoài ra, Anh, nước đăng cai hội nghị này, tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm tới, ưu tiên những nước nghèo nhất.
Mỹ tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp.
Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.
Tuy nhiên, giữa rất nhiều cam kết và hứa hẹn, trong một bài viết trên tờ Bloomberg, Đặc phái viên Liên hợp quốc về giáo dục toàn cầu và là cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã bày tỏ một số nghi ngại.
Theo ông, “dựa trên kinh nghiệm 12 lần tham gia các cuộc họp bàn của G7”, ngay cả khi các nước giàu có tăng mạnh cam kết đóng góp và chia sẻ, mục tiêu tiêm chủng toàn cầu vẫn sẽ không dễ dàng bởi “từ cam kết đến thực hiện vẫn là một khoảng cách rất xa.”
Ông cho rằng quan trọng hơn cả cam kết, thứ cần thay đổi trước hết là nhận thức của các nước giàu về tinh thần chia sẻ vaccine. Hỗ trợ tiêm chủng toàn cầu không nên được xem như một hành động từ thiện mà đúng hơn như một chính sách bảo hiểm hữu hiệu nhất hiện nay, bởi nó đang và sẽ mang lại những lợi ích về con người, kinh tế và hợp tác toàn cầu không thể tính toán được về giá trị. Nói cách khác, trong trường hợp vaccine ngừa COVID-19, chia sẻ chính là tự bảo vệ.
Thứ nhất, về lợi ích chống dịch. Tiếp cận vaccine toàn cầu càng kéo dài, virus SARS-CoV-2 sẽ càng có thêm thời gian để hoành hành, kéo theo đó là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, không loại trừ khả năng trong đó sẽ có những biến thể vô hiệu hóa được các vaccine lưu hành hiện nay.
Khi đó, cuộc chiến chống dịch toàn cầu sẽ phải quay trở lại điểm khởi đầu và không một quốc gia nào có thể an toàn, bởi sự an toàn của một quốc gia trong đại dịch không được quyết định bằng khối lượng kho dự trữ vaccine của họ nhiều tới đâu. Chỉ bằng cách giảm thiểu sự lây nhiễm, thế giới mới có thể hy vọng chấm dứt đại dịch.
Thứ hai, về lợi ích kinh tế. Chừng nào đại dịch COVID-19 chưa thể dập tắt ở cấp độ toàn cầu, các nỗ lực nối lại thương mại, buôn bán và du lịch sẽ tiếp tục bị đình trệ. Nền kinh tế toàn cầu đã bị tổn hại nặng nề bởi COVID-19, và một sự phục hồi thích hợp cũng sẽ phải mang tính toàn cầu.
Ngay cả khi dân số của một số quốc gia được tiêm phòng đầy đủ để có thể dỡ bỏ các hạn chế, nền kinh tế của những nước này vẫn sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi các đối tác thương mại quốc tế cũng được tiêm phòng.
Phân tích đã chỉ ra rằng cứ 1 USD được chi cho việc cung cấp vaccine cho các nước nghèo hơn, các nước có thu nhập cao sẽ nhận lại khoảng 4,8 USD thông qua sự thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, nhìn về dài hạn, còn là lợi ích của hợp tác toàn cầu. Nhiều lãnh đạo và thể chế đa phương đã cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ đoàn kết và tin tưởng toàn cầu trong việc giải quyết các thách thức xuyên quốc gia nếu các nước không thể đảm bảo được đoàn kết trong một vấn đề cấp thiết sát sườn như tiêm chủng trước hiểm họa đại dịch toàn cầu.
Câu hỏi ở đây là liệu tinh thần hợp tác quốc tế có tránh được nguy cơ xói mòn sau khi các quốc gia phát triển chứng kiến việc các nước giàu có để cho khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc làm mờ đi tinh thần sẻ chia lợi ích. Trong trường hợp này, việc ưu tiên lợi ích dân tộc không chỉ đe dọa bóp nghẹt nguồn cung vaccine toàn cầu mà còn cả tinh thần của hy vọng và hợp tác.
Trong suốt năm 2020, cả thế giới đã trông đợi vaccine ngừa COVID-19 như một chiếc phao cứu sinh để thoát khỏi đại dịch toàn cầu. Thế nhưng thực tế là bất chấp sự xuất hiện và phổ biến của vaccine, số người tử vong do đại dịch trên toàn thế giới trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2,25 triệu người, lớn hơn so với cả năm 2020.
Sự ra đời cấp tốc của vaccine chỉ sau hơn 1 năm nghiên cứu là một kỳ tích khoa học mang theo hy vọng toàn cầu về việc quay trở lại với cuộc sống bình thường, nhưng hy vọng này vẫn rình rập nguy cơ bị dập tắt nếu lợi ích của vaccine không thể bao trùm toàn thế giới./.
Minh Ngọc (TTXVN/Vietnam+)