|
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Trị
|
Trong chương trình, Giáo sư Hisao Tsukamoto đã có bài thuyết trình về cải cách hành chính chính quyền trung ương và chính quyền địa phương tại Nhật Bản với đầy đủ các thông tin: Lịch sử cải cách hành chính tại Nhật Bản; bộ máy Chính phủ Nhật Bản; cải tổ chính trong cuộc cải cách Chính phủ năm 2001; kinh nghiệm của Nhật Bản về cải tổ doanh nghiệp nhà nước…
Theo Giáo sư Tsukamoto, cải cách hành chính là thách thức đối với mọi Chính phủ. Vì thế, các nhà lãnh đạo cao cấp phải thường xuyên quan tâm, có sự chỉ đạo quyết liệt để khởi xướng, thúc đẩy cải cách bộ máy chính phủ và cơ quan hành chính.
Tại Nhật Bản, việc cải cách hành chính gặt hái thành công bởi nhận được sự khởi xướng, lãnh đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự chu đáo trong công tác nghiên cứu thực tiễn, quá trình chuẩn bị lâu dài và thiết kế cuộc cải cách kỹ lưỡng; sự chung tay, góp sức của những chuyên gia hàng đầu, nhân vật xuất chúng, cán bộ ưu tú…
Cũng tại hội nghị, giáo sư Hirofumi Takada trao đổi thông tin về quản trị địa phương tại Nhật Bản với các nội dung chính gồm: Hệ thống chính quyền địa phương; phân công chức năng, nhiệm vụ; cải cách về phân cấp; bộ máy tổ chức chính quyền địa phương; bầu cử; cán bộ, công chức địa phương; duy trì đạo đức công chức… Trong đó, vấn đề đạo đức công vụ quốc gia được nhấn mạnh.
Theo đó, công chức ở Nhật Bản được đối xử công bằng, không có sự phân biệt với công dân khác. Họ phải phân biệt rõ giữa công và tư, không được lợi dụng công việc hoặc chức vụ để thu lợi cũng như không được có bất cứ hành động nào làm nảy sinh sự nghi ngờ hoặc gây mất lòng tin của người dân… Trường hợp vi phạm, công chức sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Sau khi lắng nghe bài thuyết trình của Giáo sư Hisao Tsukamoto và Hirofumi Takada, các đại biểu tham dự buổi thuyết trình đã tập trung trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề được quan tâm như: Đặc điểm nổi bật nhất của cuộc cải cách bộ máy tổ chức Chính phủ Nhật Bản; kinh nghiệm cải tổ doanh nghiệp nhà nước; việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị; những vấn đề nóng mà Chính phủ Nhật Bản đang tập trung giải quyết; bộ máy tổ chức chính quyền tỉnh; bầu cử nghị viện…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định đây là một hội nghị rất quan trọng, cung cấp những thông tin, kinh nghiệm quý về cải cách hành chính chính quyền trung ương và chính quyền địa phương của Nhật Bản.
Theo đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, những nội dung ở bài thuyết trình của Giáo sư Hisao Tsukamoto và Hirofumi Takada sẽ là nguồn cứ liệu quan trọng, góp phần giúp cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, tổ chức chính quyền bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích, kinh nghiệm công tác, qua đó có thể đóng góp những ý kiến hay cho Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đồng chí Mai Văn Chính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía JICA và hai giáo sư đến từ Nhật Bản.
Q.H
|