Tính đến 31/12/2016, toàn tỉnh có 260 HTX nông nghiệp đã đăng ký hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Những năm qua, Chính phủ và UBND tỉnh đã triển khai nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp như Nghị định 55/2015 NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng nông nghiệp và Quyết định 21/2015/QĐ- UBND của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
Đối với các chính sách này, nhà nước hỗ trợ 50% số tiền lãi suất đối với hai năm đầu, năm thứ ba trở đi hỗ trợ cho khách hàng vay vốn tại các ngân hàng cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn. Đây là hai chính sách quan trọng trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, tuy nhiên các HTX vẫn chưa tiếp cận được. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh chỉ mới có khoảng 4% (11 HTX nông nghiệp) tiếp cận được vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.
Nguyên nhân cơ bản là do không đủ các điều kiện thế chấp tài sản để vay vốn phát triển sản xuất. Mặc dù hiện có quỹ phát triển HTX nhưng theo quy định thì dòng vốn này chủ yếu cho HTX vay để xây dựng nhà kho, mua sắm máy móc….chứ chưa đáp ứng được vốn kinh doanh cho HTX.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc các HTX nỗ lực có các phương án xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, thì các ngành cần có cơ chế khơi thông các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn vay.
Ưu tiên nguồn lực từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để các HTX xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết ngành hàng có lợi thế như lúa gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê… tiến tới xây dựng các HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả hơn.
Thanh Trúc