Theo người phát ngôn Bộ Y tế CHDC Congo – ông Jonathan Simba, loại vắc-xin trên có tên là rVSV-ZEBOV, được sản xuất bởi công ty Merck. Loại vắc-xin này chưa được cấp phép sử dụng nhưng đã cho thấy khả năng chống lại dịch Ebola cao qua các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái.
Ông Jonathan Simba, một nhóm của Tổ chức bác sỹ không biên giới đang đến Congo để triển khai hoạt động trên cùng đội ngũ chuyên môn.
Ông Simba cho biết, chi tiết về chiến dịch vắc-xin sẽ được thông báo sau cuộc họp giữa Bộ Y tế và các đối tác. Tuy vậy, chiến dịch vắc-xin này được cho là sẽ vấp phải những thách thức về công tác hậu cần tại các khu vực rừng núi ở Đông Bắc nước này, trong đó có việc vận chuyển và bảo quản vắc-xin trong những thùng chứa đặc biệt ở điều kiện nhiệt độ -80 độ C.
Trước Congo, việc sử dụng vắc-xin phòng chống Ebola đã được thực hiện thành công ở Guinea và được WHO khen ngợi.
CHDC Congo đã tuyên bố đợt bùng phát dịch Ebola vào ngày 12/5 vừa qua, sau khi có 3 trường hợp tử vong ở khu vực xa xôi thuộc tỉnh Bas-Uele, giáp biên giới với Cộng hòa Trung Phi. Đây là đợt bùng phát Ebola thứ 8 tại Congo và là đợt đầu tiên trong 3 năm trở lại đây. Tính đến ngày 26/5, Congo ghi nhận 52 ca nghi nhiễm Ebola, trong đó có 2 người được xác nhận đã mắc loại virus này – theo người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới tại Congo Eugene Kabambi.
Dịch bệnh Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và CHDC Congo vào năm 1976. Virus Ebola được cho là xuất phát từ loài dơi. Bệnh do virus Ebola gây ra rất nguy hiểm, gây tử vong cao ở người, với tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%.
Tại Tây Phi, dịch Ebola bùng phát ở Guinea, Liberia và Sierra Leone đã khiến hơn 11.000 thiệt mạng trong giai đoạn 2014 – 2015. Đây được coi là đợt bùng phát dịch lớn nhất và phức tạp nhất. Đại dịch này cơ bản được khống chế vào cuối năm 2015./.
Kiều Giang (theo Reuters, Deutsche Welle)