Ngày 4/2, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, Matshidiso Moeti cho biết châu Phi sẽ nhận được gần 90 triệu liều vắcxin COVID-19 trong tháng 2/2021, được đàm phán thông qua chương trình phân bổ vắcxin COVAX do WHO dẫn đầu
Sự xuất hiện của vắcxin sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trong nhiệm vụ ngăn chặn đại dịch COVID-19 tại châu lục này.
Trong một tuyên bố đưa ra tại Nairobi (Kenya), bà Moeti khẳng định châu Phi đã chứng kiến các khu vực khác trên thế giới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng COVID-19 từ lâu. Việc triển khai vắcxin nói trên là bước tiến đầu tiên để đảm bảo châu lục này được tiếp cận vắcxin một cách công bằng.
[WHO: Tunisia, Palestine nhận vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên theo COVAX]
Ngày 30/1 vừa qua, COVAX đã thông báo cho các nước châu Phi về kế hoạch vận chuyển lô vắcxin COVID-19 đầu tiên, mở đầu cho đợt tiêm chủng hàng loạt lớn nhất từ trước đến nay ở châu lục.
Lô vắcxin đầu tiên sẽ gồm sản phẩm AZD1222 của tập đoàn AstraZeneca và Đại học Oxford. Tuy nhiên, loại vắcxin này phải được WHO và cơ quan quản lý của các quốc gia châu Phi đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp sau khi vượt qua các ngưỡng về hiệu quả và an toàn.
Khoảng 90 triệu liều vắcxin đầu tiên sẽ cho phép các nước châu Phi, trong nửa đầu năm 2021, tiêm chủng cho khoảng 3% dân số thuộc diện có nguy cơ nhiễm COVID-19 ở mức cao, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và người mắc bệnh nan y.
Để thực hiện kế hoạch tiêm chủng cho ít nhất 20% dân số, châu Phi cần phải nhận được khoảng 600 triệu liều vắcxin vào cuối năm 2021.
Bà Moeti kêu gọi các nước châu Phi cần sẵn sàng và chủ động hoàn thiện kế hoạch tiêm chủng vắcxin COVID-19 cấp quốc gia. Các quy trình quản lý, hệ thống bảo quản lạnh và việc phân phối cần phải được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo vắcxin được vận chuyển an toàn từ các cảng nhập đến nơi sử dụng./.
Quang Trường (TTXVN/Vietnam+)