Hiện ở châu Phi chỉ còn hai quốc gia nhỏ bé là Comoros và Lesotho chưa phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi Nam Phi cùng 3 nước ở khu vực Bắc Phi như Ai Cập, Maroc và Algeria đang đứng đầu châu lục về số ca mắc và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này.
Nhiều nước châu Phi hiện có số ca mắc COVID-19 không đáng kể và thực sự thấp hơn rất nhiều nếu so với các tâm dịch như Mỹ, các nước châu Âu hay Trung Quốc.
Hiện các nước châu Phi đã áp dụng nhiều biện pháp như giãn cách xã hội, hạn chế đi lại hay phong tỏa hoàn toàn. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang là một khó khăn mang tính đặc thù của châu Phi. Đối với người lao động nghèo, ở nhà chống dịch là điều gần như không thể thực hiện được khi nó đồng nghĩa với không có thu nhập, không có bữa ăn hằng ngày.
Hàng triệu người hằng ngày vẫn phải ra đường để mưu sinh và sử dụng các phương tiện công cộng. Ngoài ra, tại rất nhiều nước châu Phi - nơi công nghệ thông tin chưa phát triển bằng các châu lục khác, đại đa số người lao động vẫn phải đến công sở làm việc chứ không thể làm việc từ xa.
Chiếc khẩu trang - vật dụng tưởng chừng đơn giản và rẻ tiền được giới chức y tế khuyến cáo sử dụng, cũng là thứ xa xỉ và khó kiếm đối với nhiều người lao động nghèo. Có những nơi, giá tiền của một chiếc khẩu trang y tế dùng một lần tương đương, thậm chí còn đắt hơn một bữa ăn.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) cảnh báo dịch COVID-19 có thể gây ra cuộc khủng hoảng kép ở châu lục này, bao hàm cả lĩnh vực y tế, kinh tế cũng như an ninh. Theo ACDC, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có hành động đầy đủ như mong đợi để hỗ trợ các quốc gia châu Phi đối phó với mối đe dọa của dịch COVID-19. Điều này được lý giải một phần là do vấn đề hạn chế nguồn lực khi đại dịch “không chừa một ai”.
Tại châu Phi, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 26/4, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 4.361 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, 86 trường hợp tử vong và 1.473 ca được chữa khỏi. Quốc gia phát triển nhất châu Phi này cũng đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 161.004 người.|
Theo kết quả cuộc khảo sát do Ủy ban Khoa học về loài người của Nam Phi (HSRC) công bố hôm 26/4, trong thời gian chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm giảm đà lây lan của dịch COVID-19, khoảng 1/4 người dân nước này đã không còn tiền để mua lương thực, thực phẩm, trong khi từ 46%-63% người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả các khoản sinh hoạt phí gia đình.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy có đến 55% người dân sống tại những khu nhà tạm không có tiền để mua thực phẩm trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, cũng theo theo kết quả khảo sát, đa số người dân Nam Phi đã thực hiện nghiêm túc lệnh phong tỏa trên toàn quốc được áp dụng từ hôm 27/3 cho đến hết tháng Tư.
Có đến 99% người được khảo sát cho biết họ chỉ ra khỏi nhà để mua thực phẩm, thuốc men hoặc nhận trợ cấp xã hội. Tuy nhiên trong giai đoạn này, khoảng 8% số người cho biết họ đã gặp ít nhất 50 người và 15% số người cho biết họ đã phải sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Trước đó, hôm 23/4, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố kế hoạch nới lỏng từng bước lệnh phong tỏa đang áp dụng nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế quan trọng, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại nước này.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/5, Nam Phi sẽ hạ mức phong tỏa từ cấp độ 5 hiện tại xuống cấp độ 4.
Tại Algeria, Thủ tướng Abdelaziz Djerad đã ban hành hướng dẫn đối với các bộ, ngành có liên quan cũng như các tỉnh trưởng về việc mở rộng các lĩnh vực hoạt động và mở cửa các cửa hàng thương mại để giảm tác động kinh tế, xã hội do dịch COVID-19 gây ra.
An Bình