Theo Digiday, tuần qua, một cơ quan giám sát độc lập đã khuyến nghị Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra 2 đạo luật mới mà theo đó, các nền tảng như Google và Facebook sẽ phải đối mặt với các quy định tương tự như đối với các nhà xuất bản.
Trong bối cảnh các vụ việc về chống lũng đoạn thị trường đang tiếp diễn và những cáo buộc về việc lan truyền các thông tin tuyên truyền từ Nga, các nền tảng đang phải đối mặt với nhiều sự can thiệp từ chính phủ hơn những gì họ có thể dự liệu.
Dưới đây là những thông tin cơ bản cần biết về cách thức các chính phủ đang cố gắng kiểm soát cách thức các nền tảng tiến hành công việc kinh doanh ở châu Âu. Các thông tin về ngày tháng và số liệu then chốt:
* Ngày 1/1/2018: Quy định của Đức được thực thi đầy đủ, trong đó yêu cầu các nền tảng xã hội gỡ bỏ nội dung mang tính chất phạm tội trong vòng 24 giờ.
* Mức phạt 50 triệu euro (tương đương 59 triệu USD) có thể được áp dụng theo đạo luật này nếu các nền tảng mạng xã hội không tuân thủ luật.
* Mức phạt 2,4 tỷ euro (tương đương 2,8 tỷ USD) do Liên minh châu Âu áp đặt lên Google vào tháng 6 vì đã quảng cáo dịch vụ so sánh giá của mình trong các kết quả tìm kiếm một cách bất hợp pháp.
* Hai cuộc điều tra đang tiếp diễn khác về cáo buộc Google lạm dụng sự thống trị thị trường của mình ở châu Âu trong quảng cáo tìm kiếm và các dịch vụ của Android.
Tin tức giả chỉ là “ngựa gỗ thành Troy”
Mối quan ngại về sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của hai “ông lớn” độc quyền trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số đã âm ỉ trong giới các nhà xuất bản từ nhiều năm nay.
Về mặt thương mại, đặc biệt là ở Mỹ, nơi có ít quy định kiểm soát, các nhà xuất bản đã hoạt động sa sút cho tới khi tin tức giả bắt đầu bén rễ trong 18 tháng qua.
Đề xuất cho rằng các nền tảng đã cho phép các thông tin giả, gây hiểu lầm hoặc mang tính thù ghét đã đem lại cho các nhà lập pháp và giới truyền thông một điều gì đó cụ thể để họ có thể tập hợp lại vì một mục tiêu chung.
Hoạt động kinh tế của thị trường bị phá vỡ
Các nhà xuất bản không có khả năng thu lợi từ sự kiểm soát chặt chẽ hơn các nền tảng, và quy định “chụp mũ” là một thứ công cụ thiếu sắc bén, gây cho người ta cảm giác rất giống với việc cản trở quyền tự do ngôn luận, điều mà không ai mong muốn. Mặc dù vậy, các nhà xuất bản đang vật lộn trong một trận kéo co “kẻ thắng-người thua” với Facebook và Google; việc họ cần tới đôi chút sự hỗ trợ không phải là điều gì bí mật.
“Chính phủ Anh giờ đây đã nhận thức rõ về hoàn cảnh của các nhà sản xuất nội dung tin tức; chính phủ biết rằng nội dung sẽ sớm không được sản xuất nữa vì hoạt động kinh tế của thị trường đã bị phá vỡ,” Scott Gill, giám đốc thương mại thuộc Tập đoàn Mediaforce cho biết, và nói thêm rằng các nhà xuất bản đang cùng với chính phủ xem xét động lực nào có thể được đưa ra để làm cân bằng sân chơi, để các nhà xuất bản có thể lấy lại phần nào doanh thu, và chính phủ sẵn sàng lắng nghe.”
Các nhà xuất bản từ lâu đã phàn nàn rằng dịch vụ Instant Articles của Facebook đưa ra không đủ thông tin cho người đọc.
Các nhà xuất bản có thể thương mại hóa dạng thức này, nhưng họ chỉ còn lại rất ít khả năng xác định độc giả mục tiêu, trong khi Facebook có thể nhắm vào người dùng trên nền tảng của họ một cách hiệu quả hơn nhiều. Đây là một trong nhiều vấn đề gây đau đầu mà các chính phủ sẽ phải xem xét.
Quan điểm của nền tảng
Các nền tảng vốn không được tạo ra để trở thành các nhà xuất bản. Dù như vậy, cán cân phải được điều chỉnh lại. Tuần qua, Facebook đã đồng ý trả phần thuế của mình, và Google đã đầu tư nhiều hơn vào Sáng kiến Tin tức Kỹ thuật số Google của mình, giúp tài trợ cho các dự án của các nhà xuất bản tin tức.
Các lựa chọn về quy định
Matthew Hancock, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao của Anh muốn ưu tiên cách chính phủ có thể giúp các nhà xuất bản tiếp tục cạnh tranh về kinh tế với 2 “ông lớn.”
Điều này có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức. Một lựa chọn là đánh thuế vào Google và Facebook, và như vậy sẽ là bảo hộ cho các nhà xuất bản, giống như cách ngành công nghiệp cá cược bảo hộ cho môn đua ngựa vậy. Điều này có thể gây kết quả tiêu cực, như việc quyết định xem nội dung nào được coi là có giá trị, và liệu các nhà xuất bản kỹ thuật số cấp phép và phân phối các nội dung do người dùng tạo ra có được phân vào nhóm này hay không.
Một lựa chọn khác là hệ thống đánh dấu trong hệ sinh thái quảng cáo kỹ thuật số được thực hiện bởi Google, để khi Google đưa ra yêu cầu đấu thầu, người mua có thể nhìn vào dấu mờ và nhận thấy rằng họ đang mua tài nguyên quảng cáo cao cấp và có thể quyết định có chi trả thêm cho nó hay không. Một lần nữa, điều này đưa ra những câu hỏi về việc ai sẽ quyết định nội dung gì hay nhà xuất bản nào đủ tiêu chuẩn, nhưng đó là một điểm khởi đầu.
“Nó sẽ để cho đầu tư vào nội dung ngang hàng với đầu tư vào quảng cáo,” Gill nhận xét. “Tại sao các nhà xuất bản lại thu về doanh thu trên 1000 bản in đối với một bài viết có chứa nội dung báo chí điều tra ngang với những gì Đường sắt quốc gia thu được khi có người vào xem giờ tàu chạy? Không có đủ định lượng khác biệt để khuyến khích báo chí điều tra.”
Cuối cùng, bộ máy quan liêu là một con quái vật chậm chạp. Những tít báo và từ ngữ này khi nào mới biến thành hành động là điều chẳng ai biết được./.
My Nguyễn (VIETNAM+)