Phát biểu nhân hội đồng phối hợp Cuba – EU, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết: "Chúng tôi đã quyết định tăng cường theo đuổi các cuộc đối thoại chính trị và đồng thời đưa ra các cuộc đối thoại mới tùy theo lĩnh vực". Nhà ngoại giao hàng đầu EU cũng một lần nữa đề cập tới thỏa thuận lịch sử đối thoại và hợp tác giữa EU và Cuba được ký vào tháng 12/2016 và có hiệu lực vào tháng 11/2017. Thỏa thuận này được coi là khung pháp lý để hai bên phát triển quan hệ trong tương lai và là hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương. "Cuba là một đối tác quan trọng đối với chúng tôi" – bà Mogherini khẳng định, ngược lại với chính sách thù địch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi bật với các lệnh cấm vận chống Cuba.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini tại cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez tại La Habana ngày 9/9/2019. (Ảnh: AFP)

Bà Mogherini, người sau đó sẽ tới Mexico và Colombia, đã lên kế hoạch đưa vấn đề của Venezuela, nhà cung cấp dầu mỏ và đồng minh chính trị chính của Cuba, vào chương trình nghị sự. Bà khẳng định các chủ đề được thảo luận đã nhắc tới Cuba với vai trò là hòa giải viên.

Nói chung, "chúng tôi đã khẳng định một lần nữa rằng đối thoại cởi mở, tôn trọng, theo nguyên tắc bình đẳng, có đi có lại và không can thiệp, có thể giải quyết bất kỳ chủ đề nào và chấp nhận, hoặc ít nhất là hiểu, tốt hơn vị trí tương ứng của chúng tôi” – Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez nói. Theo nhà ngoại giao Cuba, sau cuộc họp đầu tiên vào tháng 5/2018 tại Brussels, "việc tổ chức hội đồng chung thứ hai này là bằng chứng cho sự tiến bộ trong quan hệ với EU".

Trong bối cảnh khi căng thẳng leo thang giữa Cuba và Mỹ, Liên minh châu Âu và Cuba lại đang cho thấy mối quan hệ tốt đẹp sau hai thập kỷ căng thẳng. "Chúng tôi đang ở thời điểm tốt nhất trong 25 năm của mối quan hệ giữa Cuba và Liên minh châu Âu" – Đại sứ của EU tại Cuba Alberto Navarro tuyên bố nêu rõ.

EU hiện là nhà đầu tư lớn nhất ở Cuba và là đối tác thương mại lớn nhất của La Habana, với trao đổi thương mại trị giá hơn 3,47 tỷ USD trong năm 2018.

Từ năm 2008, Liên minh châu Âu "đã cam kết 200 triệu Euro để hỗ trợ sự phát triển của Cuba" trong nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực, môi trường và biến đổi khí hậu, “cũng như để đi cùng tiến trình hiện đại hóa đất nước này" – bà Mogherini nhắc lại, đồng thời khẳng định mức độ hợp tác đã tăng gấp ba, từ 50 lên đến 140 triệu euro, trong hai năm qua.

Ngoài ra, mục tiêu chung của cả hai đối tác hiện nay là chống lại việc áp dụng Đạo luật Helms-Burton.

Luật Helms-Burton được ban hành năm 1996 và là một trong những nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba. Trong đó, Điều 3 cho phép các công dân Cuba có tài sản bị tịch thu, sau khi nhập quốc tịch Mỹ, được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ để đòi lại số tài sản đó hoặc đòi bồi thường.

Mặc dù vậy, kể từ khi Luật Helms-Burton ra đời, tất cả các Tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn đạo luật này đều miễn áp dụng Điều 3 theo thời hạn 6 tháng/lần. Tuy nhiên, ngày 17/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ký miễn áp dụng đề mục này trong thời hạn 45 ngày. Từ ngày 4/3, áp dụng một phần và chỉ hoãn thi hành thêm 30 ngày. Tiếp đó, ngày 17/4, Mỹ tuyên bố Điều 3 của Luật Helms-Burton có hiệu lực từ ngày 2/5.

"Liên minh châu Âu mạnh mẽ bác bỏ" luật này – bà Mogherini tuyên bố: "Chúng tôi hiện đang áp dụng các biện pháp của EU để cố gắng bảo vệ hiệu quả các khoản đầu tư châu Âu, sự hiện diện kinh tế châu Âu tại Cuba".

Trước đó, ngày 2/5, Đại diện cấp cao về an ninh và về đối ngoại của EU Federica Mogherini cũng đã tuyên bố cho biết EU "lo ngại sâu sắc", đồng thời cho rằng quyết định của Mỹ "vi phạm cam kết trong các thỏa thuận hiện hành giữa Mỹ – EU năm 1997 và 1998 mà hai bên đều tuân thủ liên tục từ đó tới nay". Bà Mogherini nhấn mạnh hành động này "sẽ gây ra những xích mích không đáng có, và hủy hoại lòng tin và khả năng dự báo trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương”; đồng thời cho hay EU đang cân nhắc "áp dụng mọi biện pháp hạn chế đơn phương thích hợp nhằm giải quyết hậu quả của (việc thực thi) Luật Helms-Burton, bao gồm cả các quyền của mình trong WTO và thông qua việc sử dụng Luật Ngăn chặn (Blocking Statute) của EU"./.

Khánh Linh (Theo AFP, Reuters, Euronews)