Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 32.533.935 ca nhiễm COVID-19, trong đó 582.433 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (294.290 ca); Brazil (73.172 ca); Mỹ (57.782 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (61.028 ca); Pháp (43.098 ca); Đức (16.363 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (3.481 ca); Ấn Độ (2.020 ca); Mỹ (860 ca); Ba Lan (601 ca)…
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới. Tính đến nay, châu lục này ghi nhận số người nhiễm COVID-19 với tổng cộng 43.116.488 người, với 982.354 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 148.531 ca nhiễm mới và 3.747 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 5.339.920 ca mắc COVID-19 và 101.597 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 43.098 ca nhiễm mới và 375 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức…
Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin ngày 20/4 cho biết, tình hình lây lan virus SARS-CoV-2 ở thành phố này đã bắt đầu trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây. Tính sáng 21/4, Nga đã ghi nhận thêm 8.164 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ. Đây là mức ghi nhận thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2020. Tuy vậy, trong số này thủ đô Moskva đã chiếm tới 1.996 ca.
Châu Á đã có tổng cộng 34.650.740 ca nhiễm và 474.552 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 446.237 ca mắc và 3.695 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 30.052.863 ca được điều trị khỏi; 4.123.325 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 29.745 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 20/4, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 294.290 ca mắc, mức theo ngày cao nhất thế giới, đồng thời đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 200.000 ca/ngày. Số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 15.609.004 ca và 182.570 ca.
Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Iraq, Philippines Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 4,3 triệu ca nhiễm; Iran có hơn 2,2 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,6 triệu ca nhiễm COVID-19…
|
Ấn Độ ghi nhận ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 vượt ngưỡng 200.000 ca/ngày. (Ảnh: AFP) |
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 17.252 ca mắc mới và 316 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 3.208.099 người mắc COVID-19, trong đó 64.738 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khối này có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế Indonesia ngày 20/4 cho biết, nước này ghi nhận thêm 5.549 ca mắc COVID-19 và 93 ca tử vong mới vì dịch bệnh, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên lần lượt là 1.614.849 và 43.777 ca. Cùng ngày, tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết, số ca nhiễm mới được ghi nhận xuống dưới ngưỡng 10.000 người nhưng vẫn ở mức cao nhất khu vực, 7.379 trường hợp. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 953.106 ca mắc, trong đó có 16.141 ca tử vong vì COVID-19.
Dịch bệnh đang diễn biến rất căng thẳng tại Thái Lan khi số ca nhiễm mới đang vượt xa ngưỡng 1.000 người/ngày. Ngày 20/4, nước này ghi nhận 1.443 ca mắc, đưa tổng ca bệnh vượt ngưỡng 45.000 ca. Tình hình dịch tại Campuchia vẫn đáng ngại với 431 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn ở mức cao bất chấp tình hình thủ đô Phnom Penh đã bị phong toả.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 74.834 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 37.581.427 ca, tổng số người tử vong là 848.732 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 29.264.848 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.306.910 ca nhiễm và 212.466 ca tử vong.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Mỹ với những làn sóng dịch mới khiến số ca nhiễm theo ngày liên tục được ghi nhận những con số kỷ lục mới bất chấp những biện pháp đối phó tăng cường của nhiều nước. Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 23.632.301 ca nhiễm; 631.103 ca tử vong và 21.278.908 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 14.050.885 ca nhiễm, trong đó 378.530 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, French Polynesia, Wallis and Futuna, Fiji và New Zealand là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 16 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.559 ca.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.488.915 ca mắc COVID-19, trong đó 118.919 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.568.366 trường hợp, trong đó 53.887 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 853 ca mắc mới COVID-19 và 130 ca tử vong vì đại dịch.
Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, ngày 20/4, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) thông báo đã ký thỏa thuận với tập đoàn dược Richmond của Argentina về việc chuyển giao công nghệ để sản xuất đại trà vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga tại quốc gia Nam Mỹ này. Theo đó, Argentina đã trở thành nước Mỹ Latinh đầu tiên sản xuất vaccine Sputnik V của Nga.
Hiện nay, vaccine Sputnik V đã được cấp phép sử dụng ở 10 nước Mỹ Latinh và Caribe và việc sản xuất loại vaccine này ở Argentina sẽ tạo thuận lợi cho khâu bàn giao sản phẩm cho các đối tác của Nga ở khu vực.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/1 cũng thông báo sẽ chuyển hơn nửa triệu liều vaccine ngừa bệnh COVID-19 tới các nước ở khu vực Tây Balkan vào trước tháng 8 tới, đánh dấu lần đầu tiên thực hiện cơ chế chia sẻ vaccine với các nước ở khu vực này. Thông báo trên đưa ra sau khi Nga và Trung Quốc đã phân phát hàng triệu liều vaccine cho các nước tại đây./.