Thỏa thuận mang tính thăm dò này đạt được tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ Liên minh châu Âu (EU), do Pháp chủ trì, diễn ra ở thủ đô Paris, nhằm thảo luận vấn đề người di cư tại Địa Trung Hải. Mục tiêu của cuộc họp này là "tìm được vào tháng 9 ở Malta một thỏa thuận với hàng chục quốc gia, từ 12 đến 15, về một cơ chế để bảo đảm hiệu quả hơn và nhân văn hơn trong cuộc đổ bộ của người di cư ở Địa Trung Hải".
Phát biểu trong họp báo sau cuộc gặp gỡ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi và Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Manuel de Carvalho Ferreira Vitorino tại Điện Élysée, Tổng thống Macron cho biết: “Về nguyên tắc, 14 quốc gia thành viên đã nhất trí với giải pháp mới của Pháp và Đức về quản lý nhập cư trong EU. Trong số 14 quốc gia này, 8 quốc gia thông báo sẽ tích cực hợp tác”. 8 quốc gia tích cực tham gia này là: Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Luxembourg, Phần Lan, Litva, Croatia và Ireland.
Theo đề xuất của Pháp và Đức, các bộ trưởng đã làm việc về một "liên minh (các quốc gia) tự nguyện", đảm nhận việc phân bổ một cách có hệ thống, sẵn sàng tiếp nhận người di cư một cách có hệ thống bất cứ thời điểm nào họ lên bờ sau khi được những con tàu cứu hộ giải cứu, mà không phải tham gia vào các cuộc đàm phán đau lòng sau mỗi cuộc giải cứu.
Cơ chế này có kế hoạch phân bổ "càng nhanh càng tốt" những người đang xin tị nạn ở các quốc gia tạo thành một phần của "liên minh các nước tình nguyện", để đổi lấy việc Italy và Malta mở các cảng của họ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tóm lược: "Chúng tôi đã củng cố cơ chế phân bổ trong thời gian ngắn, nhưng chúng tôi muốn tiến xa hơn (...) bằng cách trao quyền cho tất cả các quốc gia thành viên, các cấu trúc cộng đồng hiện tại" và cải thiện "hiệu quả của các chính sách của chúng tôi về việc hồi hương (người di cư) tự nguyện hoặc bị ép buộc về nước xuất xứ".
Nhà lãnh đạo Emmanuel Macron cũng bày tỏ hy vọng rằng "tất cả các quốc gia thành viên sẽ tham gia" vào chương trình này. "Châu Âu không phải là một con bài khi nói đến sự đoàn kết" – ông cảnh báo.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn UNHCR Filippo Grandi đã ca ngợi những tiến bộ đạt được, nhưng cũng bày tỏ "lo lắng" về việc giảm "khả năng giải cứu" những người di cư đang cố gắng vượt qua trung tâm Địa Trung Hải.
Về phần mình, tẩy chay cuộc họp trên, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini khẳng định nước này không tham gia cơ chế của Pháp - Đức, đồng thời cho rằng biện pháp trên vẫn khiến Italy trở thành một trong những điểm đến chính của người di cư. Ông Salvini nhấn mạnh việc tái phân bổ hạn ngạch người tị nạn sẽ gây khó khăn cho việc trục xuất những người di cư bất hợp pháp ở các quốc gia tuyến đầu.
Italy đã tiếp nhận hầu hết những người di cư được cứu trên biển, tuy nhiên, từ năm 2018, chính phủ dân túy mới lên nắm quyền ở nước này đã quyết định không cho phép các tàu cứu nạn chở người di cư cập cảng./.
Khánh Linh (Theo AFP, Reuters, Euronews)