Đối với các lãnh đạo EU, điều thiết yếu hiện nay là đặt chính sách xã hội vào trọng tâm hành động tại thời điểm kinh tế châu Âu khẳng định sự hồi phục của mình.
Tại Hội nghị thượng đỉnh xã hội về việc làm và tăng trưởng, tổ chức ở Gothenburg, Thụy Điển, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho rằng EU đang đối mặt với sự lo ngại ngày càng gia tăng trong dân chúng cùng sự thiếu tin tưởng đối với các giải pháp chính trị. Đây là thời điểm mà các nhà lãnh đạo phải đặt công dân vào vị trí trung tâm các mối quan tâm.
Điểm nhấn của hội nghị là lễ ký tuyên bố quan trọng mang tên "Nền tảng châu Âu về quyền xã hội" của 28 nước thành viên nhằm ngăn chặn sự xuống cấp xã hội. Dù không mang tính ràng buộc nhưng tuyên bố này là tín hiệu cho thấy những người nghèo nhất không bị lãng quên.
Tuyên bố đưa ra 20 nguyên tắc và quyền cần được tôn trọng tại "Lục địa già," như quyền được giáo dục, hướng nghiệp, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng nam-nữ.
Bên cạnh đó, tuyên bố cũng đề cập đến vấn đề lương tối thiểu phù hợp nhằm đảm bảo mức độ đáp ứng các nhu cầu của người lao động và gia đình, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi nước, trong khi vẫn đảm bảo quyền tiếp cận việc làm và các ưu đãi để tìm kiếm việc làm. Mục tiêu là làm thế nào để vừa giải phóng được thị trường lao động, lại vừa duy trì được các hệ thống bảo trợ xã hội cần thiết.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi các nước thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua một số dự án xã hội hiện vẫn "nằm trên giấy." Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU nhất trí hành động để từ nay đến năm 2025 thanh niên châu Âu có thể sử dụng hai ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ.
PN