'Châu Âu đa tốc độ' với lo ngại phía cuối con tàu 

(Chinhphu.vn) – Quan điểm một châu Âu “thống nhất chứ không phải là đồng nhất” và một số nước thành viên EU có thể đi nhanh hơn, tiến xa hơn, phát triển nhanh hơn dường như gây chia rẽ giữa phe “đầu tàu” và “đuôi tàu”.
'Châu Âu đa tốc độ' với lo ngại phía cuối con tàu

 

Ảnh minh họa
Với hàng loạt chia rẽ và mâu thuẫn thời gian qua liên quan đến vấn đề tăng trưởng, người nhập cư, định hướng phát triển sau khi Anh rời khỏi liên minh…, hơn bao giờ hết, các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực hướng tới một ngôi nhà chung thống nhất và đoàn kết. Thể hiện là tại các phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo EU đã cố gắng xích lại gần nhau, tìm ra những điểm chung trên cơ sở các lập trường riêng.

Nổi bật nhất phải kể đến là ý tưởng xây dựng một châu Âu “đa tốc tộ” được Ủy ban châu Âu đưa ra trong “Sách trắng” về tương lai châu Âu. Lý giải về ý tưởng này, các nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận rằng, các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hiện khó có thể hành động và suy nghĩ giống nhau và sự thay đổi là cần thiết. Đồng thời, việc Anh rời khỏi EU cũng là động lực để châu Âu định hình một khuôn khổ mới.

Vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi thúc đẩy ý tưởng về một “châu Âu đa tốc độ” và nhấn mạnh rằng một số quốc gia tiên phong sẽ dẫn dắt tiến trình hội nhập sâu rộng tại EU, đồng thời đề xuất các kế hoạch bao gồm việc hình thành một ngân sách chung cho khu vực Eurozone đặt dưới sự giám sát của một bộ trưởng tài chính và nghị viện mới của châu Âu, sau khi tiến hành thay đổi cơ cấu quy mô lớn.

Sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron nhận được sự ủng hộ từ phía nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel ủng hộ vì qua đó, có thể viện trợ các nước thành viên gặp khó khăn trong thực hiện cải cách kinh tế. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, “một châu Âu với các tốc độ phát triển khác nhau là điều cần thiết, nếu không chúng ta (EU) sẽ chết”.

Khái niệm về một "châu Âu đa tốc độ" thực ra đã được Willy Brandt, một trong những người tiền nhiệm của bà Merkel, lần đầu tiên nói đến vào năm 1974 - một năm sau khi Anh gia nhập EU. Khi đó, khái niệm "châu Âu đa tốc độ" đã phản ánh thực trạng của EU. Về sau, EU đã từ bỏ khái niệm này và chuyển sang quan điểm cho rằng tất cả các nước trong EU là một khối thống nhất. Đồng euro, khu vực đường biên tự do đi lại, các vấn đề nội vụ, bản quyền và những nguyên tắc tài khóa... với các chính sách này, EU đã hình thành liên minh mềm dẻo giữa các quốc gia theo đuổi hội nhập ở các tốc độ khác nhau.

Ý tưởng "đa tốc độ" hiện vẫn gây nhiều tranh cãi, ám chỉ những đẳng cấp khác nhau của các thành viên trong khối, nơi luôn cho rằng các thành viên là bình đẳng với nhau. Trên thực tế, đó là vấn đề "nóng" chủ yếu tại các cuộc thảo luận liên quan đến tuyên bố của EU để đánh dấu sự kiện 60 năm ra đời Hiệp ước Rome trong tháng 3 này.

Đối với một số nước là thành viên sáng lập EU, ý tưởng về "đa tốc độ" được coi là phản ánh một thực tế, đưa ra cơ sở pháp lý cho những nước muốn hội nhập nhanh hơn. Tuy nhiên, với những thành viên mới gia nhập EU sau này, đây là một mối đe dọa. Một số quan điểm cho rằng "đây là một điều rất nguy hiểm" vì việc đề cao một EU "đa tốc độ" sẽ làm chấm dứt bản sắc của một liên minh, mở đường cho việc ra đời những đẳng cấp khác nhau của các nước thành viên, nới rộng khoảng cách giữa Đông và Tây đối với các vấn đề như nhập cư, tiền tệ và quy định luật pháp.

Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện ý tưởng châu Âu "đa tốc độ”, EU sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có sự phản đối của các nước phía Đông đang lo ngại bị đẩy lại phía cuối con tàu châu Âu. Một số nước như Ba Lan hay Hungary có những lo lắng riêng, sợ rằng, “đa tốc độ” chẳng qua là cách hiểu khác của “phân hạng công dân”, khi họ nhiều khả năng sẽ bị “cho ra rìa” trong các kế hoạch hợp tác phát triển của toàn Liên minh.

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế khu vực, được coi là Diễn đàn Davos phía Đông, đang diễn ra tại Krynica, Ba Lan, Tổng thống Duda cho rằng EU sẽ trở nên "kém hấp dẫn" khi một số quốc gia có "tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn và có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng lớn hơn" lại có thể đưa ra những quyết định về sự thịnh vượng của các quốc gia khác.

Tổng thống Duda nhấn mạnh: "Đây sẽ là sự khởi đầu của sự kết thúc của EU và sẽ gây hiệu ứng Brexit nhiều hơn và làm sụp đổ EU".

Theo các nhà quan sát, trên thực tế, dù ủng hộ “châu Âu đa tốc độ” hay không, thì EU hiện nay trong một số lĩnh vực, đã vận hành theo nhóm. Ngay từ ngày 9/3, các lãnh đạo châu Âu có kế hoạch “bật đèn xanh” cho việc lập ra một cơ quan công tố châu Âu phụ trách chống tham nhũng (tại các quỹ châu Âu). Cơ quan này bước đầu chỉ liên quan đến một nhóm nước thành viên EU.

Tờ Il Giornale (Italy) cho rằng, nguyên tắc phát triển “đa tốc độ” của châu Âu - qua đó phân biệt mức độ hội nhập của từng nước thành viên khác nhau, sẽ không giúp khu vực này thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện tại.

“Động thái này không khác gì đưa thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư. Châu Âu phải thay đổi từ cái cốt lõi, phải cần một hệ thống quy tắc hoàn toàn mới. Với việc phân biệt mức độ hội nhập của các thành viên, họ sẽ chỉ tiếp tục chia rẽ nhau thay vì cùng nhau đi về phía trước”.


An Bình

727 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 918
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 918
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87129996