Châu Âu, châu Á tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 

Các nước châu Âu đã nâng mức cảnh báo lây nhiễm COVID-19 lên mức cao, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để đối phó với dịch bệnh đang lan rộng trên toàn thế giới.
Châu Âu, châu Á tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đang diễn biến phức tạp với việc Trung tâm Phòng ngừng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã nâng mức cảnh báo lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại EU từ mức vừa phải lên mức cao, Liên minh châu Âu (EU) tập trung mọi nguồn lực để đối phó với dịch bệnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 3/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan rất nhanh. Vì vậy, 5 cao ủy của EC sẽ phối hợp sát sao để đối phó hiệu quả với dịch, tập trung vào 3 mặt trận chính là y tế, giao thông và kinh tế.

Về biện pháp chung của EU để đối phó dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng vai trò của EU là phối hợp hành động của các quốc gia thành viên để ngăn chặn dịch bệnh, chứ không phải áp đặt các biện pháp phòng dịch, mỗi quốc gia sẽ các biện pháp phòng dịch riêng của mình.

Ngoài ra, Bộ Y tế các nước thành viên được khuyến cáo tập trung đặc biệt vào các biện pháp phòng và chống dịch trên các công tác như đảm bảo dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, các phòng xét nghiệm, các công tác nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 để bào chế thuốc và vaccine phòng bệnh, triển khai các điểm kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài trước khi vào châu Âu, cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông về dịch bệnh tới người dân và nhân viên y tế.

Bên cạnh vấn đề phòng dịch COVID-19, EU vẫn chủ trương hạn chế tới mức thấp nhất làm ảnh hưởng tới vấn đề tự do đi lại trong khối Shengen.

Trong một diễn biến liên quan, Nghị viện châu Âu (EP) đã quyết định hạn chế khách đến thăm trong 3 tuần tới, coi đây như một trong các biện pháp cẩn trọng nhằm giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Chủ tịch EP David Sassoli cho biết hoạt động của nghị viện sẽ tiếp tục, nhưng các buổi hội thảo, các sự kiện và nhiều hoạt động khác liên quan đến khách đến thăm sẽ tạm ngừng.

Phát biểu tại họp báo ngày 3/3, ông Sassoli cho biết EP đã thông qua các biện pháp nghiêm ngặt hơn các thể chế khác của EU vì Hội đồng EU đón khoảng 700.000 lượt khách đến thăm mỗi năm, nhiều hơn nhiều các cơ quan khác của EU.

Chủ tịch EP cũng cho biết các chuyến công tác của nghị sỹ, công chức và trợ lý của EP sẽ bị hủy bỏ. Quyết định này có thể sẽ được thay đổi tùy theo diễn biến dịch tại châu Âu.

EP hoạt động tại Brussels (Bỉ) hầu hết thời gian trong năm, và tổ chức một phiên họp toàn thể mỗi tháng một lần tại Strasbourg (Pháp).

[Người đứng đầu cơ quan y tế khẩn cấp Iran nhiễm COVID-19]

Tuần trước, EP đã khuyến cáo các nhân viên của mình "nên tự cách ly tại nhà" nếu đã từng đến các khu vực có dịch, bao gồm các vùng ở Bắc Italy, Trung Quốc, Singapore, và Hàn Quốc.

Cùng ngày, một số nước châu Á như Ấn Độ, Philippines, Sri Lanka đã công bố các biện pháp nhằm ngặn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có dấu hiệu lan nhanh và rộng trên khắp thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 3/3, một ngày sau khi phát hiện hai trường hợp mới dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh, Bộ Y tế Ấn Độ đã ra khuyến cáo đình chỉ tất cả thị thực thông thường và thị thực điện tử được cấp từ ngày 3/3 về trước đối với các công dân Italy, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, những người chưa nhập cảnh Ấn Độ, với hiệu lực tức thì.

Ngoài ra, khuyến cáo cũng đình chỉ thị thực cửa khẩu với các công dân của Nhật Bản và Hàn Quốc chưa nhập cảnh Ấn Độ.

 

Những người cần thiết phải đến Ấn Độ vì những lý do cấp bách có thể xin cấp thị thực mới từ sứ quán/lãnh sự quán Ấn Độ gần nhất.

Các nhà ngoại giao, quan chức Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế, những người sở hữu thẻ công dân của Ấn Độ và phi hành đoàn không nằm trong diện hạn chế trên. Tuy nhiên, những người này phải quét thân nhiệt trước khi nhập cảnh.

Tính đến ngày 2/3, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 6 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 ca đã chữa trị thành công. 

Trong khi đó, Chính phủ Philippines đã quyết định cho phép người dân nước này tới Hàn Quốc, ngoại trừ các vùng dịch ở tỉnh Bắc Gyeongsang sau khi đình chỉ tạm thời hoạt động đi tới Hàn Quốc trong tuần qua, căn cứ trên đánh giá tình hình dịch bệnh.

Cũng trong ngày 3/3, Bộ Y tế Sri Lanka cũng đã thông báo tất cả các hành khách từ Italy, Iran và Hàn Quốc đến nước này đều phải tham gia cách ly 14 ngày để phòng ngừa nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, các hành khách sử dụng phương tiện tàu thuyền sẽ không được lên bờ. Hiện Sri Lanka ghi nhận 18 ca nghi nhiễm bệnh COVID-19.

Sau khi khởi phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào tháng 12/2019, dịch COVID-19 đang lây lan ra hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.

Hiện, tình hình dịch bệnh đặc biệt phức tạp tại Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy - 4 nước có số ca nhiễm mới tăng nhanh trong tuần gần đây./.

 

337 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 645
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 645
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89005438