Châu Âu ‘mở cửa’ với công dân 11 nước 

(Chinhphu.vn) - Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cho phép các công dân từ 11 quốc gia ngoài EU nhập cảnh, sau khi loại Maroc khỏi “danh sách an toàn” mới nhất liên quan đến dịch COVID-19.
Châu Âu ‘mở cửa’ với công dân 11 nước
Bắt đầu từ ngày 8/8, Hội đồng EU đã yêu cầu các quốc gia thành viên từng bước dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại đối với công dân Australia, Canada, Gruzia, Nhật Bản, New Zealand, Rwanda, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia và Uruguay. Cơ quan này cũng đề nghị cho phép công dân Trung Quốc đến EU dựa trên điều kiện "có đi có lại".

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã chỉ thị tiến hành một chiến dịch quan hệ công chúng nhằm bảo đảm mở cửa trở lại trường học tại nước này đúng thời điểm năm học mới vào tháng 9 tới.

Theo kết quả một nghiên cứu công bố tuần trước, Anh đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ hai trong mùa Đông này, thậm chí lớn gấp đôi so với đợt dịch đầu tiên nếu nước này mở cửa trở lại các trường học mà không nâng cao chất lượng hệ thống xét nghiệm và truy vết các đối tượng mắc COVID-19.

Tại Đan Mạch, Danish Crown, một trong những công ty chế biến thịt lớn nhất châu Âu, thông báo đóng cửa ít nhất 1 tuần một lò giết mổ lớn tại Đan Mạch, sau khi gần 150 nhân viên tại đây có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Lò mổ trên đặt tại khu vực Ringsted, cách Thủ đô Copenhagen khoảng 50 km, tuyển dụng gần 900 lao động và giết mổ hàng chục nghìn con lợn mỗi tuần.

Tại Italy, tới sáng 10/8, nước này đã ghi nhận 250.566 ca mắc COVID-19, trong đó có 35.205 trường hợp tử vong và 202.098 bệnh nhân đã bình phục.

Liên đoàn Du lịch Thương mại Italy (Confturismo- Confcommercio) cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2020, lượng khách quốc tế đến quốc gia Nam Âu này ước tính giảm khoảng 75% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 25 triệu khách.

Bên cạnh đó, chi phí trên mỗi du khách cũng giảm đáng kể do lượng khách đến từ châu Mỹ và châu Á, vốn là các du khách có mức chi tiêu cao nhất, đã giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành tại xứ sở hình chiếc ủng.

Phần lớn người dân Italy cũng dành kỳ nghỉ mùa Hè để tới các địa điểm trong nước. Chi tiêu trung bình của mỗi gia đình Italy chỉ đạt 1.022 euro và 680 euro/người. Trong khi đó, có tới 20% người dân Italy không đặt phòng cho kỳ nghỉ do khó khăn về kinh tế.

Trong bối cảnh các chuyên gia dự báo về nguy cơ bùng phát trở lại dịch bệnh, các nước đang chạy đua để tìm kiếm vaccine, biện pháp duy nhất có thể chấm dứt dịch bệnh COVID-19. Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Lazzaro Spallanzani ở Thủ đô Rome của Italy sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine vào cuối tháng 8 tới đây.

Theo giới chức y tế Italy, đợt thử nghiệm này cần có 90 tình nguyện viên khỏe mạnh và không tham gia các thử nghiệm lâm sàng khác trong vòng 12 tháng qua, đặc biệt là những người ở độ tuổi từ 18-55 hoặc từ 65-85 tuổi. Việc thử nghiệm lâm sàng này được coi là giai đoạn 1 của quá trình nghiên cứu vaccine chống COVID-19, trong đó, một loại vaccine tiềm năng được sử dụng cho một nhóm nhỏ người.

Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho rằng một loại vaccine phòng ngừa COVID-19 được thông qua có thể chỉ đạt hiệu quả 50-60%. Điều này có nghĩa rằng các biện pháp y tế công cộng vẫn rất cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Trước đó, vào hồi đầu tuần này, Tiến sĩ Fauci dự báo đến đầu năm 2021, sẽ có hàng chục triệu liều vaccine phòng ngừa COVID-19 được sản xuất và sẽ có 1 tỷ liều vaccine đến cuối năm. Tuy nhiên, ông Fauci cho rằng cơ hội vaccine đạt hiệu quả 98% là không lớn, do đó người dân không bao giờ được từ bỏ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bao gồm giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.

An Bình

165 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 563
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 563
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87345988