Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sáng 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi tên tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm.
Giải trình về vấn đề này, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh “kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội thế nào, chúng tôi sẽ chấp hành, có thể sẽ giữ nguyên, có thể sẽ đổi mới.”
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh quan điểm phải tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử bởi theo ông đây chắc chắn là xu thế.
“Hôm nay chúng ta không làm thì tương lai, con cháu chúng ta sẽ phải làm,” Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết hiện nay có hai cấp xét xử. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cũng quy định nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, cấp xét xử phúc thẩm, không nêu nhiệm vụ của tòa án cấp huyện, toà án cấp tỉnh.
“Tương tự, các luật tố tụng cũng quy định như vậy,” Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.
Về việc thông tin tại toà án, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định Điều 141 dự thảo không quy định về quyền truyền thông.
“Chúng tôi chỉ điều chỉnh hoạt động này trong phòng xét xử, ra ngoài phòng xử, các nhà báo phỏng vấn ai, quay phim ai, chúng tôi không có quyền can thiệp,” ông Bình chia sẻ và nhấn mạnh quy định như dự thảo nhằm nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự.
“Đại biểu có nói câu chuyện chỉ cần một bên đồng ý là có quyền ghi âm, ghi hình. Nhưng xin chia sẻ với đại biểu, bên này đồng ý nhưng bên kia không đồng ý cũng ảnh hưởng đến quyền con người,” Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.
Về việc thẩm phán thông tin quan điểm của vụ án trước khi xét xử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định đây là điều nghiêm cấm từ trước đến nay, cũng như từ nay về sau.
“Bản án chỉ được tuyên sau khi toà án kiểm tra chứng cứ công khai tại phiên tòa và qua tranh tụng,” Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhấn mạnh./.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội biết nhiều ý kiến không tán thành đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm.