Cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm 'tín dụng đen' 

Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của “tín dụng đen” là lập các hợp đồng "giả cách" với người vay tín chấp, thế chấp, cùng với thủ đoạn 'mua bán nợ.' Mạnh Khánh
Cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm 'tín dụng đen'

Trước thực trạng loại tội phạm "tín dụng đen" đang ngày càng hoạt động tinh vi, ngày 27/5, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo một số thủ đoạn để người dân nhận biết, đề phòng.

Cụ thể, các đối tượng tội phạm sử dụng phương thức truyền thống nhưng tinh vi hơn như: quảng cáo qua tờ rơi (dán trên cột điện, ngã tư, tường nhà); thủ tục cho vay đơn giản không yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ, chỉ yêu cầu cung cấp hình ảnh cá nhân, số điện thoại của người thân.

Một số đối tượng khác hoạt động cá nhân cho vay thông qua quan hệ quen biết; lãi suất cho vay lớn (khoảng 3.000-10.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương 109%-365%/năm).

Nếu khách hàng không trả tiền theo đúng hạn, các đối tượng sẽ giới thiệu khách hàng sang vay tiền của người khác để lấy khoản tiền đó trả cho đối tượng hoặc các đối tượng sẽ thường xuyên gọi điện thoại cho khách hàng, người thân, đồng nghiệp đe dọa gây sức ép buộc phải trả tiền.

Ngoài ra, các đối tượng cho vay lãi nặng lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để hành nghề như sử dụng phần mềm cho vay trực tuyến, ứng dụng di động (app) hay các website quảng cáo, hội nhóm trên mạng... với lãi suất vay dưới 20%/năm, nhưng sau khi “con nợ” mắc bẫy thì tính phát sinh phí quản lý vay, phí hồ sơ, “lãi mẹ đẻ lãi con," lãi chồng lãi và nhiều khoản phí khác buộc người vay gánh lãi suất cao.

Cùng với đó, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của “tín dụng đen” là lập các hợp đồng "giả cách" với người vay tín chấp, thế chấp. Người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất cao đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay.

tang-luong-908.jpeg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Gắn liền với thủ đoạn trên là thủ đoạn “mua bán nợ." Chủ nợ lập hợp đồng với công ty “mua bán nợ” (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) liên hệ người vay cố tình chây ỳ không trả nợ thì sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải, mắm tôm..) để đòi nợ theo hợp đồng.

Để không bị mắc bẫy tín dụng đen, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin, hình ảnh, dữ liệu cá nhân lên các trang mạng như Facebook, Zalo..., cũng như không tham gia vay mượn tiền qua các app điện thoại phổ biến hiện nay.

Người dân không tham gia vào các hoạt động “tín dụng đen," cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; khi phát hiện trên địa bàn mình cư trú có các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thì kịp thời tố giác với cơ quan công an các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các công ty luật núp bóng đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, cửa hàng cầm đồ, kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen," đối tượng nghi vấn liên quan đến hành vi đòi nợ thuê, đổ chất bẩn, chất thải...

Trong trường hợp người thân có vay nợ của các đối tượng “tín dụng đen," khi bị các đối tượng gọi điện thoại cho những người thân trong gia đình “khủng bố” đòi nợ thì phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập.

Đồng thời, người dân hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng; thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên; sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ.

Đối với các trang Facebook cá nhân, có thể khóa các bình luận của người lạ. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ, như: thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống.../.

Cơ quan điều tra tống đạt các quyết định khởi tố đối với các đối tượng. (Nguồn: Công an Nhân dân)

Triệt phá đường dây tín dụng đen núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính

Để che giấu hành vi, các đối tượng hoạt động "núp bóng" doanh nghiệp tư vấn tài chính, dịch vụ cầm đồ; sử dụng công nghệ cao để thực hiện hoạt động cho vay trực tuyến.

(TTXVN/Vietnam+)
124 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 719
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 719
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89003314